Chiều nay, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô".
Tọa đàm được tổ chức sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong đó, chỉ thị yêu cầu Hà Nội có lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1; từ ngày 1/12028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3.
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội có những chia sẻ những vấn đề liên quan tới môi trường của Thủ đô sau chỉ thị số 20 của Thủ tướng.
Theo ông Tuấn, tình trạng ô nhiễm của Thủ đô rất cấp bách, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân. Đó là thách thức liên quan tới mục tiêu phát triển của Hà Nội.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: VGP
"Ô nhiễm không khí là thách thức vô cùng lớn của Hà Nội. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ phương tiện giao thông vận tải sử dụng xăng, dầu. Trong khi đó, xu hướng hiện đại là sử dụng nguyên liệu điện, khí. Phương tiện công cộng như bus, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao đều đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, chỉ thị 20 của Thủ tướng cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã trở nên cấp bách và phải thực hiện quyết liệt.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1 triệu ô tô , 6,9 triệu xe máy. Các chuyên gia xác định, phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu nhất là xe máy gây ra khoảng 60% ô nhiễm không khí. Người dân sử dụng khoảng 70% là xe máy cũ. Trong khi đó, việc kiểm soát khí thải còn hạn chế.
Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho hay, TP đã ban hành nhiều giải pháp để thực hiện, đảm bảo vừa chuyển hóa phù hợp vừa đảm bảo tính khả thi khi triển khai.
Các khách mời tới dự tọa đàm chiều nay. Ảnh: VGP
Hà Nội sẽ nghiên cứu các giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó có việc ban hành cơ chế hỗ trợ cho người dân ở trong vành đai 1 chuyển đổi từ sử dụng xe máy chạy xăng sang xe chạy điện. Thành phố cũng kêu gọi các đơn vị cung ứng xe điện hỗ trợ người dân về đổi phương tiện như hỗ trợ về giá xe.
Thành phố có chính sách ưu đãi về phí trước bạ, phí đăng ký, cấp biển số và phí trông giữ... với ô tô, xe máy chạy điện. Thành phố cũng đồng bộ vào hệ thống giao thông công cộng đa phương thức. Mạng lưới này được phủ rộng, kết nối các khu vực trọng điểm, đi kèm với hạ tầng phục vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch như trạm sạc điện, dịch vụ hỗ trợ xe điện...
Tại các khu đô thị mới, ông Tuấn khẳng định sẽ có quy hoạch về các phương tiện giao thông xanh, sạch. “Quy hoạch này không phải là một hãng mà nhiều hãng, thậm chí có những mô hình chúng tôi đã học tập xây dựng các trạm đổi pin tại chỗ nhiều hãng, không có độc quyền hãng”, Phó Chủ tịch Hà Nội nói.
Đặc biệt, Hà Nội chú trọng việc phải đảm bảo an toàn cho đối tượng sử dụng xe điện như vấn đề pin, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ...
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường cho hay, những chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách cũng mang tính tổng thể và toàn diện, tập trung vào nhiều nội dung.
Chỉ thị đưa ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, về không khí tại một số đô thị lớn, về nước thải tại lưu vực sông hay là xử lý chất thải rắn tại các đô thị, vùng nông thôn. Chỉ thị đưa ra nhiều giải pháp bổ trợ khác với tổng thể về mặt cơ chế, chính sách để mục tiêu đạt được giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề này? Bài viết chia sẻ về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Thành Huế