Lọt top 2 thế giới báo động đỏ về ô nhiễm không khí
Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức “không lành mạnh” vào ngày 22/3/2025.
Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2024, TP. Hà Nội đã trải qua bốn đợt ô nhiễm nghiêm trọng. Giai đoạn ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 (từ mùa Thu - Đông).
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây.
Các số liệu từ năm 2022 - 2023 cho thấy, mức bụi mịn PM2.5 trung bình tại Hà Nội dao động từ 26 - 52 μg/m³, vượt tiêu chuẩn quốc gia từ 1,1 đến 2,1 lần. Vào những ngày ô nhiễm nặng nhất, nồng độ PM2.5 có thể tăng vọt lên 80 - 130 μg/m³, tức là cao gấp 16 - 26 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo kết quả quan trắc của cơ quan môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6 - 8h và 17 - 19h.
Tùy từng thời điểm, mức độ các nguồn thải bụi PM2.5 chiếm tỷ lệ khác nhau, trong đó cao nhất là từ giao thông (gồm cả bụi đường) khoảng 58 - 74%; công nghiệp 14 - 23%; nông nghiệp 3,4 - 18,9% và dân sinh, đốt rác.
Những mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm này gây ra rủi ro sức khỏe lớn cho người dân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi và hen suyễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Nói về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung, TS. Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định, mặc dù cơ chế, chính sách đã có, tuy nhiên, về triển khai, vẫn còn không ít vướng mắc, trước hết là khó khăn trong kiểm soát nguồn phát sinh chất thải.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí, bao gồm cả hạ tầng giao thông, còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và địa phương còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ và chưa có thiết chế điều phối hiệu quả. Thiếu nguồn lực vận hành liên tục hệ thống quan trắc ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội đang gia tăng và luôn ở mức báo động, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cho rằng, cần một quyết tâm chính trị rất lớn và sự phối hợp đa ngành, đa vùng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Tránh tình trạng "có kế hoạch mà không có tiền để làm”
Ngày 4/4/2025, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 - 2030;…
Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 – 2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, nồng độ bụi mịn PM2.5 sẽ phải giảm ít nhất 20% so với mức trung bình của năm 2024.
“Theo số liệu quan trắc, năm 2024, nồng độ PM2.5 trung bình tại Hà Nội là khoảng 47 µg/m³. Như vậy, trong 5 năm tới, mục tiêu là đưa con số này xuống còn khoảng 37 µg/m³, và tiếp tục giảm dần để tiệm cận ngưỡng 30 µg/m³ trong các giai đoạn tiếp theo”, TS. Hoàng Văn Thức chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu này, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đang lưu hành, đặc biệt là ô tô và xe máy. Bộ đang tham mưu Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện này. Dự kiến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2027.
Cùng với đó, các đô thị cần rà soát, xây dựng kế hoạch di dời hoặc yêu cầu các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu phải chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường. Trường hợp không thể di dời, bắt buộc phải đổi mới công nghệ.
Về phát triển giao thông xanh, các địa phương cần đầu tư mạnh vào phương tiện công cộng, xe buýt điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể phải cam kết đến năm 2030 cơ bản chấm dứt xe sử dụng xăng dầu, thay thế bằng phương tiện xanh.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, cho hay, việc chuyển từ xây dựng Đề án sang lập Kế hoạch hành động quốc gia theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng là bước đi đúng. Tuy nhiên, để triển khai được, kế hoạch cần có các giải pháp và nhiệm vụ thật chi tiết, chính xác, cụ thể.
Góp ý vào dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia, về nguồn thải, ông Nguyễn Xuân Đại đề nghị cần bổ sung thêm các nguồn như đốt nương rẫy ở các địa phương lân cận, chăn nuôi quy mô lớn. Thủ đô hiện có hơn 43 triệu con gia cầm và 1,45 triệu con lợn phát thải từ chăn nuôi là rất lớn, cần được kiểm soát.
Về giao thông, nguồn phát thải chiếm 23%, nhưng đây cũng là phương tiện mưu sinh của hàng triệu người dân. Nếu chỉ sử dụng mệnh lệnh hành chính mà thiếu chính sách hỗ trợ như trợ giá xe điện, hỗ trợ chuyển đổi nhiên liệu… thì sẽ khó khả thi.
Một vướng mắc khác là di dời nhà máy ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Xuân Đại, trong thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực, nhưng thiếu chế tài và hỗ trợ về chính sách như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư... khiến tiến độ còn chậm.
“Việc này cần quy định rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp "chần chừ", không thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Đại kiến nghị, đồng thời đề xuất quy định rõ tỉ lệ ngân sách địa phương dành cho công tác bảo vệ môi trường.
“Tương tự như Nghị quyết 57 đã quy định cứng tỉ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, kế hoạch hành động về môi trường không khí cũng cần thiết lập khung tài chính bắt buộc. Điều này giúp đảm bảo tính khả thi trong triển khai tại các địa phương, tránh tình trạng "có kế hoạch mà không có tiền để làm"”, ông Nguyễn Xuân Đại nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh:Nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển cũng chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém.
Nguyễn Hạnh