Ngay từ đầu năm 2025, Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác cải cách chế độ công vụ, bao gồm tuyển dụng, đánh giá vị trí việc làm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức và tăng cường kỷ luật hành chính. Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu rà soát danh mục vị trí việc làm, điều chỉnh nhân sự phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Đối với công tác tuyển dụng, trong quý I/2025, Hà Nội đã tạm dừng tổ chức thi tuyển công chức để thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Trong khi đó, việc tuyển dụng viên chức vẫn được triển khai với tổng số hơn 2.400 chỉ tiêu được xét duyệt cho các đơn vị sự nghiệp công lập như Sở Giáo dục & Đào tạo (943 chỉ tiêu), UBND quận Bắc Từ Liêm (280 chỉ tiêu), UBND quận Long Biên (271 chỉ tiêu), UBND huyện Đông Anh (261 chỉ tiêu), cùng nhiều đơn vị khác như UBND quận Đống Đa, Ba Đình, huyện Gia Lâm, Mê Linh…
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Thành phố đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng ứng xử của cán bộ công chức, viên chức. Tất cả công chức, viên chức từ cấp thành phố đến cấp xã đều được tập huấn về cải cách hành chính, kỹ năng số, giao tiếp trên không gian mạng, trong đó 30% cán bộ được bồi dưỡng kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong bộ máy hành chính.
Thành phố cũng đã cử 6 công chức đi bồi dưỡng tại nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực như quản lý nhà nước, phát triển đô thị xanh - thông minh và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra công vụ với phương châm "không có vùng cấm". Trong 3 tháng đầu năm 2025, Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 5 UBND xã, phường, bao gồm xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), xã Cao Sơn Tiến (huyện Ứng Hòa), phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), xã Chương Dương (huyện Thường Tín).
Kết quả kiểm tra giúp Thành phố đánh giá thực trạng thực thi công vụ, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không bị gián đoạn.
Đặc biệt, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND (ban hành ngày 10/3/2025) về cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì giám sát, đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức vi phạm, với các biện pháp cụ thể như tổ chức kiểm tra công vụ kết hợp đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, tham mưu UBND Thành phố ban hành chế tài xử lý nghiêm minh, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo để xảy ra sai phạm, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với công tác bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, đề xuất cơ chế khen thưởng - kỷ luật rõ ràng nhằm tạo động lực cho cán bộ có thành tích tốt và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Hà Nội xác định cải cách hành chính phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Vì vậy, UBND Thành phố đã chỉ đạo tổng hợp, công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, định kỳ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ công chức, viên chức, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý vi phạm, tiếp tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra công vụ theo kế hoạch tại Công văn số 873/UBND-NC (ngày 13/3/2025). Trong đó, Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các UBND cấp xã, huyện, đảm bảo không xảy ra tình trạng trì trệ, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và siết chặt kỷ luật công vụ, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Linh Nguyễn