Tăng tính tương tác, kịp thời giải quyết phản ánh của người dân
Đầu năm nay, quận Hai Bà Trưng tích cực đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và TP về chuyển đổi số, CCHC, Đề án 06 tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn nhằm tạo đồng thuận, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm cao để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong công tác chuyển đổi số.
Nổi bật, trong quý I/2025, Cổng TTĐT quận đã đăng tải trên 100 tin, bài, clip và Trang TTĐT 15 phường đăng tải trên 1.100 tin, bài, clip; trang Zalo OA quận đăng tải trên 80 tin bài, clip và trang Zalo OA của phòng chuyên môn đăng tải trên 50 tin bài, video. Quận cũng đăng tải hơn 30 video tuyên truyền trên hệ thống bảng tin điện tử công cộng của quận/phường, với các màn hình LED cỡ lớn lắp đặt tại trụ sở UBND quận, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận, trụ sở UBND 15 phường.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng tính tương tác tới người dân trên địa bàn, các đơn vị còn sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào biên soạn các tin, bài chuyển thành file âm thanh giọng đọc; biên soạn các infographic, video chuyển nội dung trọng tâm của văn bản thành các hình ảnh kèm chữ minh họa với màu sắc sinh động, dễ xem, dễ hiểu… Đồng thời, đăng tin bài lên tiện ích CMS (loa phường) trên ứng dụng VNeID và tin truyền thông, cảnh báo của quận, phường trên ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi).
Trong việc phát triển dữ liệu số, đáng chú ý, quận Hai Bà Trưng là một trong số ít đơn vị của TP Hà Nội hoàn thành sớm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ 31/12/2021 trở về trước; đã xây dựng “Hệ thống khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận từ ngày 31/12/2021 trở về trước”. Đến nay, quận đã cấp quyền truy cập hệ thống cho 100% CBCC “Một cửa” quận và 15 phường khai thác các kết quả số hóa để giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quận.
Quận cũng là một trong số những đơn vị của TP đạt tỷ lệ cao trong cấp chữ ký số cá nhân, với 25.315 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân trên địa bàn (hoàn thành tỷ lệ 10% dân số trưởng thành). Bộ phận “Một cửa” quận và 15 phường đang tiếp tục phối hợp Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT hướng dẫn công dân sử dụng chữ ký số cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVCTT TP Hà Nội.
Bộ phận ''Một cửa'' quận Hai Bà Trưng và 15 phường đang tiếp tục phối hợp đơn vị hướng dẫn công dân sử dụng chữ ký số cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCTT TP Hà Nội (ảnh: công dân giao dịch tại bộ phận ''Một cửa'' UBND phường Đồng Tâm)
Bên cạnh đó, trong công tác phát triển ứng dụng, dịch vụ, chính quyền từ quận đến các phường từ đầu năm đến nay tiếp tục tích cực tuyên truyền vận động người dân cài đặt và sử dụng nền tảng ứng dụng iHanoi và kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên ứng dụng, trở thành một trong ít đơn vị có tỷ lệ người dân cài đặt iHanoi và hài lòng với giải quyết tin phản ánh hiện trường cao nhất TP (hiện là 188.890/185.663 người, đạt 101,74%).
3 tháng qua, quận đã tiếp nhận và xử lý tin phản ánh hiện trường trên iHanoi bảo đảm quy trình, quy định, với tổng số đã tiếp nhận 443 phản ánh hiện trường, trong đó đã xử lý 415 tin.
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính
Theo UBND TP Hà Nội, tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và DN, ngay từ cuối tháng 12/2024, UBND TP đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2025 với mục tiêu chủ yếu: thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; hoạt động nghiệp vụ và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước TP được thực hiện chủ yếu trên môi trường số với sự hỗ trợ của các công nghệ mới có tính đột phá (AI, Bigdata, IoT...) góp phần xây dựng chính quyền số minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại.
TP chỉ đạo Sở KH&CN xây dựng Nghị quyết của HĐND TP về “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT toàn trình; cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và DN; cung cấp DVC không phụ thuộc địa giới hành chính. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT tại các cơ quan nhà nước TP được duy trì, nâng cấp, hoàn thiện phục vụ các hoạt động ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước của TP và người dân, DN tại bộ phận “một cửa”.
Trong phát triển dữ liệu điện tử và các ứng dụng, dịch vụ, nổi bật là các hệ thống thông tin (HTTT), CSDL đất đai, CSDL cán bộ, công chức, viên chức, quản lý dữ liệu về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng, quản lý trật tự xây dựng, thí điểm ứng dụng quản lý cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn Hà Nội phục vụ công tác quản lý dữ liệu về phòng cháy chữa cháy trên toàn TP… đã được triển khai, hoạt động hiệu quả.
TP Hà Nội xác định ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính (ảnh: công chức UBND quận Long Biên trong giờ giao dịch hành chính)
Đáng chú ý, một số HTTT, ứng dụng phục vụ công dân, DN đang được triển khai thử nghiệm, vận hành chính thức nhằm xây dựng Thành phố thông minh, hiện đại. Đó là HTTT giải quyết TTHC của TP đã được xây dựng, đưa vào vận hành và kết nối với các HTTT/CSDL của bộ, ngành, quốc gia, Cổng DVC quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, các HTTT/CSDL, với 1.885 TTHC. Trong đó, đã cung cấp 1.191 TTHC triển khai DVCTT, đạt tỷ lệ 100% TTHC đủ điều kiện, với 318 DVCTT toàn trình (chiếm 26,7% tổng số DVCTT); đã tích hợp 165 DVCTT toàn trình, 727 DVCTT một phần trên Cổng DVC quốc gia.
TP cũng thực hiện kết nối với nhóm 2 DVC liên thông khai sinh, khai tử; kết nối và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân thông qua hệ thống VneID; cho phép thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên HTTT giải quyết TTHC của TP, mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, DN. Đến nay hệ thống cơ bản đáp ứng đầy đủ chức năng, tính năng theo quy định, nhất là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và DN. Toàn bộ dữ liệu của công dân, DN được lưu trữ trên kho dữ liệu và cho phép công dân, DN sử dụng lại để thực hiện các TTHC lần sau.
Bên cạnh đó, hiện TP đã triển khai 150 đại lý DVCTT, cho thấy hoạt động mô hình này ngay tại các bưu cục là một giải pháp hữu hiệu giúp đưa DVC đến gần hơn với người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người chưa quen sử dụng công nghệ số, người dân vùng sâu, vùng xa. Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính, giờ đây người dân có thể đến bưu cục gần nhất để được hỗ trợ thực hiện DVC nhanh chóng, hiệu quả.
Đối với ứng dụng iHanoi, đến nay toàn TP có 39 triệu lượt truy cập và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. TP cung cấp 478 DVCTT toàn trình trên ứng dụng này và kết nối, khai thác dữ liệu của người dân từ CSDL quốc gia dân cư để tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác của từng DVCTT, người dân không phải khai báo lại. Tháng 1/2025, TP cũng đã bổ sung tính năng Chatbot AI trên ứng dụng đem lại nhiều tiện ích, hỗ trợ người dùng tra cứu, trả lời câu hỏi liên quan các TTHC, DVCTT…
Ngoài ra, số người dân Thủ đô có sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VneID đến nay đạt hơn 1,8 triệu/8,3 triệu người dân; có 10/42 bệnh viện công lập triển khai bệnh án điện tử, 3/43 bệnh viên tư nhân đã triển khai bệnh án điện tử.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hệ thống giám sát hành trình phục vụ điều hành mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP đã được chia sẻ trên ứng dụng VinBus của Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, ứng dụng BusMap Hà Nội, ứng dụng iHanoi.
Đặc biệt, ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý, giúp tiết kiệm chi phí phát hành và thời gian, chi phí khách hàng đi lại để nhận thẻ vé tháng.
Cùng đó, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID với cơ chế hỗ trợ miễn phí cho người dân kể từ ngày 1/6/2024 đến nay đạt hơn 18 tỷ đồng. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 100% mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn sử dụng VNeID đề nghị cấp phiếu này (có tài khoản định danh điện tử mức độ 2) từ ngày 1/1 đến hết 30/3/2025 để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT qua ứng dụng VneID.
Đồng thời, việc thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện TTHC bằng mã QR động, áp dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế đã và đang giúp người dân, DN dễ dàng sử dụng, có thể tương tác với trợ lý ảo 24/24 giờ ở mọi nơi, thông qua thiết bị công nghệ ngay trên Cổng TTĐT ngành thuế, ứng dụng thuế điện tử eTax mobile và iHanoi.
Linh Nguyễn