Hà Nội - Nhiều điểm nhấn chuyển đổi số

Hà Nội - Nhiều điểm nhấn chuyển đổi số
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều phản ánh kiến nghị của người dân đã được thành phố tiếp nhận và xử lý nhanh chóng qua iHanoi. Ảnh: T. H
iHanoi - thúc đẩy chuyển đổi số cả người dân và chính quyền
Một người dân đường Nguyễn Cơ Thạch (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) phản ánh, trên vỉa hè có vài nắp cống xuống cấp, sụt lún, gây nguy hiểm cho người đi lại.
Năm 2023, nhân dân đã phản ánh, song chưa được giải quyết triệt để. Qua ứng dụng iHanoi, khoảng 3-4 ngày sau, cơ quan chức năng đã thông báo tiếp nhận. Trong vòng 20 ngày sau, hai nắp cống trên đã được làm mới sạch đẹp.
Mọi phản ánh, kiến nghị gửi đến mục "Phản ánh hiện trường" trên iHanoi để được giải quyết. Ảnh chụp màn hình: T.H
Dẫn chứng nhỏ này cho thấy ý nghĩa lớn của ứng dụng iHanoi, đó là kết nối người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố.
Trong đó, chức năng “Hanoi Connect” của iHanoi giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện hơn thông qua: Phản ánh hiện trường (là những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc); phản ánh thủ tục hành chính (các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức).
Cơ quan tiếp nhận phản ánh sẽ phản hồi lại công dân rõ đơn vị giải quyết, xử lý kiến nghị. UBND thành phố cũng đã có các công văn yêu cầu các cơ quan phải có trách nhiệm trả lời kiến nghị cụ thể.
Ở góc độ nào đó, có thể nói, tính năng này thúc đẩy chuyển đổi số cả người dân và các cấp chính quyền thành phố. Người dân phải biết sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng công nghệ để gửi phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền. Ngược lại, chính quyền phải theo dõi, điều phối, điều hành công việc qua môi trường số để giải quyết các vấn đề thực tế dân sinh bức xúc.
Cũng vì tính gắn kết này, chỉ sau 3 tháng hoạt động, iHanoi đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị của người dân trên địa bàn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố đã xử lý hơn 9.500 phản ánh, đạt gần 80%. Tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng, chấp nhận đối với kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị chiếm 60%.
Thông tin với Báo Hànôịmới, chiều 5-10, đại diện Văn phòng UBND thành phố cho biết, người dân có thể cùng các cơ quan chức năng khác theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đây là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã và đang đem lại để góp phần cùng nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân.
Về lộ trình triển khai iHanoi từ nay đến cuối năm 2024, Văn phòng UBND thành phố sẽ tập trung một số tiện ích, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, như: Hỗ trợ tìm xe buýt; bản đồ điểm đỗ; chat bot; xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến; tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị. Người dân Hà Nội sẽ tiến tới đồng bộ, chuyển sử dụng tài khoản VNeID để “chạm để kết nối” iHanoi trong thời gian tới.
Trong đánh giá về chuyển đổi số của Hà Nội, ông Nguyễn Huy, nhà sáng lập kiêm Giám đốc startup Phygital Labs - đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, nhận định, ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi là bước tiên phong chuyển đổi số. Ứng dụng này, không chỉ là điểm truy cập duy nhất vào các dịch vụ của thành phố, mà nên được phát triển trở thành nền tảng ứng dụng (application platform) cho các ứng dụng, dịch vụ khác của các bên thứ 3 tích hợp và khai thác chung. Từ đó, iHanoi cung cấp được nhiều tiện ích hơn cho người dân, mở ra các hướng khai thác về dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt…
Thanh toán không tiền mặt phổ biến trong mọi hoạt động. Ảnh: Đ.T
Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, thiết bị thông minh, thanh toán không tiền mặt cũng phát triển nhanh chóng.
Với sự chỉ đạo của thành phố, cuối tháng 9-2023, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hàng triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt, trong đó có phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Việc khai trương tuyến phố không dùng tiền mặt tại quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm có rất nhiều hộ kinh doanh, đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, sau được nhân rộng lại nhiều khu vực, quận, huyện khác, đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế trước đó, việc thanh toán không tiền mặt cũng được nhiều cửa hàng kinh doanh áp dụng, song chưa được triệt để và việc trả tiền mặt theo thói quen vẫn phổ biến. Do vậy, khi thành phố vào cuộc cùng các đơn vị liên quan triển khai giải pháp, lập tức được người dân hưởng ứng.
Người mua hàng và người bán hàng đều thuận tiện với hình thức thanh toán không tiền mặt. Ảnh: M.H
Thanh toán không tiền mặt cũng lần lượt được triển khai tại các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, tháng 7-2024); trước đó là các mô hình chợ 4.0 tại chợ Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), chợ Mơ (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì), chợ Quảng Oai (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), chợ Thượng Thanh (quận Long Biên)...
Cũng liên quan đến thanh toán không tiền mặt, đến nay, Hà Nội có 64 điểm đỗ xe thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt (quận Hoàn Kiếm có 24 điểm, Nam Từ Liêm 9 điểm, Cầu Giấy 9 điểm, Tây Hồ 8 điểm, Đống Đa 4 điểm, Hai Bà Trưng 4 điểm, Bắc Từ Liêm 4 điểm, Ba Đình 2 điểm), đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 98% đối với ô tô và 87% với xe máy (số liệu đến tháng 8-2024).
Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế... được người dân hưởng ứng. Điều này cho thấy sự quyết liệt của thành phố trong chuyển đổi số đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Để hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành nghị quyết miễn phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Với các hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước, năm 2022, lần đầu tiên, lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên Hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành; 100% cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 3 cấp được kết nối với Trung ương...
Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử. Thành phố cũng đã tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám qua phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố; đồng bộ 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an. Hà Nội là một trong 2 địa phương đầu tiên cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID...
Chuyển đổi số là một quá trình và với Hà Nội - đô thị đặc biệt với quy mô dân số lớn và địa bàn rộng, việc thực hiện không thể có kết quả toàn diện ngay lập tức. Song với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước.
Thanh Hà
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-nhieu-diem-nhan-chuyen-doi-so-680430.html