Hà Nội cần khởi động biện pháp rửa xe, rửa đường để giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: Việt Anh.
Số liệu trên ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí VN AIR của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TNMT) và Cổng thông tin quan trắc môi trường (UBND TP Hà Nội) cho thấy, trong tháng 10/2024, Hà Nội có 4 đợt ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn dao động ở mức 101 - 177 đơn vị. Ngày 7/11, chỉ số AQI có lúc đạt ngưỡng 205, mức rất kém; chỉ số bụi mịn PM2.5 (µg/m³) có thời điểm ở mức 205, mức rất không tốt cho sức khỏe.
Theo thống kê của Sở TNMT, trên địa bàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, hơn 7,8 triệu phương tiện các loại; nhiều công trình đang xây dựng; dân số đông; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa tốt… là những nguyên nhân chính tác động đến chất lượng không khí Thủ đô.
Trong thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí…
Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Hà Nội ưu tiên biện pháp giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm không khí; vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ, rác thải; giảm phát thải giao thông... Đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số VN-AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 giảm khoảng 20% so với năm 2019...
Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó, tránh việc sử dụng nguồn thông tin chưa đầy đủ cơ sở khoa học, gây tâm lý hoang mang dư luận.
Cũng thông theo thông tin từ Sở TNMT Hà Nội, hiện thành phố đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô…
PGS.TS Lê Văn Hưng - giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhận định, việc dần chuyển sang năng lượng thân thiện với môi trường, quản lý và xử lý rác thải là bài toán phải được tính đồng bộ từ chính sách đến nhận thức, đến các hoạt động, hành động cụ thể của người dân. Đồng thời áp dụng các công nghệ xanh, công nghệ kinh tế tuần hoàn để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường.
Có nên phun nước rửa đường?
Để có thể làm giảm bớt nồng độ bụi trên đường phố, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội có thể sớm khôi phục lại hoạt động rửa đường. PGS.TS Hoàng Xuân Cơ - giảng viên cấp cao khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) cho rằng, qua các nghiên cứu, Hà Nội có rất nhiều bụi, chủ yếu là bụi đường. Bụi do phương tiện đi qua cuốn lên. “Trước đây chúng ta có hệ thống tưới nước, bây giờ đang định khôi phục. Một số dự án theo kiểu như thế tôi cho là rất tốt”- ông Cơ cho biết.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí những ngày gần đây là do đã vào mùa ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi cho việc khuếch tán bụi PM 2.5 nên bị ô nhiễm trong một số ngày, một số giờ. Ông Tùng cho rằng, Hà Nội cũng nên cân nhắc tái khởi động biện pháp rửa đường và cân nhắc thời gian thực hiện cho phù hợp: “Những năm gần đây, việc rửa đường ít đi, thay vào đó là các máy hút bụi, quét bụi, chỉ trong một số ngày lễ lớn, đặc biệt người ta mới rửa đường. Hà Nội có rất nhiều bụi từ công trình xây dựng, hạ tầng. Hà Nội cũng nên bàn bạc tăng cường rửa đường nhưng rửa vào lúc nào, tuyến đường nào, bây giờ cuộc sống hiện đại rồi cũng cần bàn bạc kĩ vừa sạch đường vừa thuận tiện giao thông”.
N.An
Thái Nhung