Hà Nội nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Hà Nội nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
2 giờ trướcBài gốc
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025", năm 2024, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu "Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới".
Đến nay, sau thời gian triển khai thực hiện, Chương trình số 04-CTr/TU đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô.
Tại huyện Thanh Trì, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn cải tạo ao hồ và các dòng sông chảy qua; rà soát lại toàn bộ quỹ đất công của huyện để siết chặt quản lý, quy hoạch làm khu vui chơi cho người dân, tạo “lá phổi xanh” trong các khu dân cư. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc bao lâu nay ở huyện đã được cải thiện rõ rệt.
Nông dân ở huyện Mê Linh chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, đem lại thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Đình Trung
Trong khi đó, Mê Linh là huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2022. Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới như: Mô hình sản xuất rau, quả an toàn tại HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) với quy mô khoảng 200ha sản xuất rau, củ, quả, trong đó 10ha được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn theo quy chuẩn VietGAP.
Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế khoảng 200 đến 250 triệu đồng/ha/năm.
Một mô hình khác đó là sản xuất hoa hồng thế, hoa chậu trang trí với diện tích khoảng 15ha, trong đó riêng tại xã Mê Linh có 13ha. Qua đánh giá, mô hình này đem lại thu nhập cho bà con nông dân từ 1,8 đến 2 tỷ đồng/ha.
Tại huyện Ứng Hòa, từ 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, năm nay, huyện đặt mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn. Về giải pháp, huyện Ứng Hòa tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng đạt chuẩn tại các xã nông thôn mới nâng cao; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân hỗ trợ, đóng góp để đầu tư phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, xử lý môi trường ở cơ sở…
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, tính từ năm 2021 đến quý III năm 2024, thành phố đã huy động được hơn 84.316 tỷ đồng dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến hết quý III năm 2024, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Điều quan trọng hơn, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường đang diễn ra mạnh mẽ, có chiều sâu.
Sự đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp góp phần đưa chất lượng cuộc sống của nông dân ngày càng nâng lên. Người nông dân ở nhiều địa phương đã có mức sống gần hơn với khu vực đô thị.
Mặc dù vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang gặp những khó khăn, nhất là tiêu chí trường học đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Lý do là rất nhiều xã đang trong quá trình triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư, nâng cấp, cải tạo trường học để công nhận lại hoặc nâng chuẩn quốc gia. Trong khi yêu cầu đối với huyện nông thôn mới nâng cao thì toàn bộ các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ngoài ra, việc triển khai đấu nối hệ thống cấp nước sạch tập trung còn chậm; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế.
Hồi cuối tháng 6/2024, tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, để thành phố về đích hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cần có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 chỉ tiêu khác cần phải thực hiện.
Trong đó, có việc phải phấn đấu đưa thu nhập của người nông dân đạt 75 triệu đồng/người/năm, đây là mục tiêu rất cao khi năm 2023 thu nhập bình quân mới đạt 66 triệu đồng.
Vì vậy, bà Tuyến yêu cầu các huyện khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ liên quan quan đến xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định. Đồng thời, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, qua đó giúp thành phố cán đích hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cũng là hoàn thành một chỉ tiêu quan trọng đã nêu tạị Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Thế Vũ
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ha-noi-no-luc-hoan-thanh-nhiem-vu-xay-dung-nong-thon-moi-post317129.html