Hà Nội nỗ lực vươn tới kinh tế tuần hoàn

Hà Nội nỗ lực vươn tới kinh tế tuần hoàn
2 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là định hướng phát triển của TP.Hà Nội trong những năm tới.
Từ ngày 10/10/1954 đến nay, Hà Nội đã có 70 năm xây dựng và phát triển kinh tế. Cũng như các địa phương, Hà Nội đã vượt qua những thời kỳ gian khổ của chiến tranh, để từ đó dần dần thay da đổi thịt trở thành “Thành phố vì hòa bình”, thành phố sáng tạo, an toàn, thân thiện.
Đặc biệt, trong giai đoạn mới này, Hà Nội đã lựa chọn phát triển kinh tế số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
KINH TẾ TUẦN HOÀN: “XƯƠNG SỐNG” CỦA KINH TẾ
Khái niệm về kinh tế tuần hoàn được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1990. Các nhà kinh tế mô tả Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là một hệ thống kinh tế nơi mà mọi sản phẩm đều có thể trở thành nguyên liệu cho sản phẩm khác, tức là nó có khả năng tự phục hồi và tái tạo, sử dụng năng lượng tái tạo và loại bỏ chất thải độc hại.
Một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc biến rác thải của một ngành thành tài nguyên cho ngành khác, hoặc tái sử dụng chúng trong chính doanh nghiệp đó.
Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Kinh tế tuần hoàn là cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ là điều kiện để khai thác hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới”.
Với cách hiểu này, mô hình kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn dựa theo nguyên lý “chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới”, tạo ra một vòng lặp khép kín, nhờ đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, nhằm tối thiểu hóa tài nguyên là nguyên liệu đầu vào. Do đó lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đáng kể.
Mô hình này đã được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Mô hình này không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn vì thế không chỉ giúp tăng giá trị cho doanh nghiệp mà còn giảm chi phí xử lý chất thải và giảm khai thác tài nguyên.
Đó cũng là lý do mà Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Như vậy có thể hiểu phát triển kinh tế tuần hoàn là nhằm vào ba mục tiêu chính.
Một là, bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường bằng cách tái sử dụng và tái chế nguyên liệu. Hai là, tiết kiệm tài nguyên: việc tái sử dụng nguyên liệu giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Ba là, phát triển bền vững: kinh tế tuần hoàn hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Những năm gần đây, Hà Nội đã bắt đầu chú trọng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội,... đó cũng chính là những thế mạnh của Hà Nội.
KINH TẾ TUẦN HOÀN ĐƯA VÀO NHIỀU LĨNH VỰC
Bảy mươi năm qua, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những bước tiến vững chắc. Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn từ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội, cùng với sự đồng hành của người dân, kinh tế Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho đến dịch vụ và du lịch.
Theo PGS.TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), Hà Nội những năm gần đây đang có sự dịch chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn hoạt động theo công nghệ "waterleua" của Bỉ, là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam.
Kinh tế số đã giúp Hà Nội nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao. Tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm đến trên 60%, trong đó, đóng góp chủ yếu từ đẩy mạnh phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao. Sự phát triển các ngành kinh tế số đã thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, lao động.
Một vài số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy sự tiến bộ đó. Ví dụ: chỉ số công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3.494 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt Hà Nội đã thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD…
Về kinh tế tuần hoàn, Hà Nội cũng đã đồng thuận về giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lớn nhất Việt Nam và thứ hai thế giới (sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc), sử dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi rác thải thành năng lượng, giúp giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp và cung cấp điện cho thành phố.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với mục tiêu xử lý và tái sử dụng nước thải, góp phần bảo vệ nguồn nước và nâng cao chất lượng môi trường khu vực nội đô. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đưa hệ thống vào khai thác…
Ngoài ra, Hà Nội còn lồng ghép thực hiện kinh tế tuần hoàn qua một số chương trình như hướng dẫn người dân phân loại và thu gom rác thải nhựa. Rác thải sau đó được tái chế và sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Hà Nội đang gặp một số khó khăn, hạn chế, như: khuôn khổ, thể chế cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện; hạn chế trong nhận thức về kinh tế tuần hoàn, sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nguồn nhân lực đáp ứng cho chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu; phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên.
Tuy vậy, với tiềm năng, lợi thế của Hà Nội khi thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội có nhiều cơ hội vượt qua những khó khăn thách thức đó để phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hà Nội nên đưa kinh tế tuần hoàn tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng.
Theo PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn cho Hà Nội không thể thiếu giải pháp thúc đẩy đào tạo nhân lực. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng cho vay đầu tư xanh, tận dụng các nguồn lực quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh để đầu tư cho doanh nghiệp.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đưa ra khuyến nghị Hà Nội cần đưa kinh tế tuần hoàn vào các lĩnh vực như thương mại và dịch vụ, du lịch để giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong công nghiệp phụ trợ, áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu chất thải công nghiệp.
Trong nông nghiệp, đưa ra chính sách phát triển và nhân rộng các mô hình nông trại sản xuất tuần hoàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như hỗ trợ về giá và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh. Hà Nội nên chọn lọc và cân nhắc những dự án thiếu tính thân thiện với môi trường; đồng thời, khuyến khích những dự án đầu tư xanh.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 7/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Lý Hà
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ha-noi-no-luc-vuon-toi-kinh-te-tuan-hoan.htm