Cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất, toàn diện
Năm 2024, Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt mức 500.000 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ thêm về những thành tựu đạt được của Thủ đô Hà Nội?
Năm 2024, UBND thành phố đã quán triệt và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy với phương châm “Nắm vững chủ trương, chính sách - Nắm chắc tình hình, thực tiễn - Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ” và “Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Trung ương và thành phố”.
Thành phố đã sớm ban hành chương trình công tác với 303 chuyên đề, đề án thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; ban hành Chương trình hành động với 5 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và 179 nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá, kinh tế Thủ đô đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư.
Tăng trưởng GRDP dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 58,6 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2023.
Dù chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả nhiệm kỳ 2020-2025 là chỉ tiêu khó đạt được như mong muốn, nằm trong bối cảnh chung của cả nước, tuy nhiên, thành phố quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu, phấn đấu tăng tốc, bứt phá phát triển trong năm 2025, tạo thế và lực nhằm nỗ lực hoàn thành cao nhất chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.
Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý
Năm 2024, công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Thành phố đã đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; bảo đảm tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 18 cầu vượt sông Hồng…
Đối với chỉ tiêu cung cấp nước sạch của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025 sẽ hoàn thành 100% mạng lưới nước sạch đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Chúng tôi cũng đang quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất, toàn diện từ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch… đến việc tập trung xử lý vấn đề nước thải, làm “sống lại” các dòng sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch sẽ được “hồi sinh” trước ngày 2/9/2025.
Thành phố phát động phong trào Hà Nội xanh, sạch, đẹp với cách làm thực chất để thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị trong năm 2025…
“Hồi sinh” các dòng sông nội đô
Như ông vừa nói, Hà Nội sẽ nỗ lực “hồi sinh” các dòng sông nội đô, trong đó có sông Tô Lịch, giúp cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất. Điều này là tín hiệu rất đáng mừng. Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh yêu cầu này. Thành phố thực hiện việc này ra sao, thưa ông?
Để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội - cố gắng đến 2030 nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành Hà Nội lên 100% - thành phố đang khẩn trương rà soát phê duyệt chủ trương đầu tư của một số khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải, đồng thời chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đã được phê duyệt.
Trước mắt, việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào vận hành (từ ngày 1/12/2024) với công suất 100 nghìn m3 ngày/đêm đã nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành đạt hơn 114 nghìn m3 ngày/đêm, đạt xấp xỉ 41%.
Hà Nội tăng thu ngân sách gần 100.000 tỷ đồng
Theo số liệu thống kê, tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 6,52%; quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 509.295 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm 2023 (tăng thêm 99.563 tỷ đồng). Năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu. Cùng với đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc hoàn thành các gói thầu Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng tỷ lệ thu gom thêm được hơn 194 nghìn m3 ngày/đêm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%.
Thành phố cũng nghiên cứu phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu nhằm làm sạch các dòng sông này. Sau khi nước thải từ sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sông Sét, sông Kim Ngưu được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này là không có, chủ yếu từ nguồn nước thải đã được thu gom.
Hiện nay, thành phố đang giao Sở Xây dựng phối hợp triển khai phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt. Thành phố yêu cầu, việc triển khai các biện pháp “hồi sinh” sông Tô Lịch phải triển khai đồng bộ với sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu.
Thành phố nhấn mạnh, phải tách được toàn bộ nguồn thải và bổ cập nước, trong đó bổ cập nước quay trở lại từ việc sau xử lý nước thải và sử dụng nguồn nước bổ cập khác. Trong chuyến khảo sát dự án làm sạch sông Tô Lịch vừa qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, đến 2/9/2025 phải hoàn thành mục tiêu “làm sống lại sông Tô Lịch”, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, đồng thời, cần chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái Hồ Tây khi bổ cập nước hồ về sông Tô Lịch.
Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý
Thành phố cũng vừa phát động Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, hướng tới mục tiêu làm cho môi trường sống của thành phố trong lành hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống.
Chúng tôi kêu gọi nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng, đồng hành, hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn, mỗi gia đình, khu dân cư cần chủ động thu gom, phân loại và giảm thiểu rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Đây không chỉ là hành động vì môi trường mà còn là bài học có ý nghĩa về trách nhiệm cho chúng ta và cho thế hệ tương lai. Để bảo vệ nguồn nước, không khí và môi trường sống, mỗi người dân hãy luôn ý thức trong sử dụng tiết kiệm nước, giảm phát thải khí độc hại và tích cực bảo vệ không gian xanh.
Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án quản lý rác thải tại nguồn, phát triển hệ thống thu gom, phân loại và xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến, tuần hoàn và bền vững; tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, nước và đất, đồng thời giám sát chặt chẽ các nguồn phát thải trên địa bàn thành phố với thông điệp: Không khí sạch, Thành phố xanh.
Phòng chống lãng phí, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn
Thưa ông, Hà Nội vừa tiên phong lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí trực thuộc UBND thành phố, do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng Ban. Rõ ràng, Hà Nội đang rất quyết liệt trong việc khắc phục tình trạng lãng phí, đặc biệt với các công trình, dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển?
Theo Quyết định số 6037 ngày 20/11/2024, UBND thành phố quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” do tôi làm Trưởng ban. Công bố quyết định xong, Ban Chỉ đạo đã họp ngay phiên họp thứ nhất, nghe báo cáo và xử lý các vướng mắc, khó khăn với dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân).
Đến 24/12, Ban Chỉ đạo họp phiên thứ 2, nghe báo cáo, xem xét xử lý các vướng mắc liên quan 15 cơ sở nhà, đất công có dấu hiệu lãng phí tại quận Hà Đông…
Cũng cần nói thêm, không phải đến nay, công tác phòng, chống lãng phí mới được thành phố quan tâm, mà làm liên tục, mạnh mẽ, quyết liệt. Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, thành phố đã tiến hành thu hồi.
Về tài sản công, thành phố tập trung rà soát lại tài sản công để quản lý, tránh lãng phí; đặc biệt, thành phố rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng. Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững, mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Thành phố đã phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô qua việc tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Trường Phong (thực hiện)