Báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất chú trọng công tác chuẩn bị từ năm 2024, nhưng sau 2 tuần đầu năm 2025 thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, mới chỉ có 24 bộ, ngành và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công.
Theo kế hoạch, đến ngày 31/3/2025, các bộ, ngành, địa phương hoàn tất việc kiểm kê; đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính; đến ngày 31/7/2025 Bộ Tài chính hoàn thành tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa: KT
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính nhận định, các bộ ngành và địa phương cần nỗ lực triển khai các công việc tổng kiểm kê theo đúng kế hoạch.
Theo ông Thịnh: "Tổng kiểm kê đợt này giúp nắm được thực trạng tài sản, đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp quản lý sử dụng và khai thác tốt hơn tài sản công với vai trò nguồn lực của Nhà nước. Công tác tổng kiểm kê tài sản công là công việc khó diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, cần sự vào cuộc chung tay của tất cả cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị".
Thực hiện tổng kiểm kê tài sản công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương trong năm 2025. Đây là bước triển khai chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác và huy động hiệu quả các nguồn lực kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, việc kiểm kê là để nắm được thực trạng của tài sản công về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc này cũng nhằm phục vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các số liệu, thông tin, kết quả của tổng kiểm kê sẽ được sử dụng để xây dựng chiến lược, kế hoạch và là nền tảng để ra các quyết định về quản lý đối với Tài sản công.
Bộ Tài chính lưu ý: Đối với các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tổng kiểm kê đến khi chính thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động.
Đồng thời, có trách nhiệm bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án 213, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trung Hiếu/VOV1