Những hình ảnh gây mất mỹ quan đô thị
Dự án xây dựng đường nối khu đô thị Đồng Tàu - Tam Trinh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội có chiều dài 1,9 km, mặt cắt ngang 30m với 4 làn đường. Tổng mức đầu tư cho tuyến đường dài gần 2km này là 500 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng dành cho xây dựng, số còn lại chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng và một số hạng mục liên quan.
Sau khi tiến hành giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường nối tiếp đường phía đông khu hành chính quận Hoàng Mai đến đường Tam Trinh thì ngôi nhà ông Phan Trọng Khánh chỉ còn lại 15m2. Do không được bố trí nhà tái định cư nên cả nhà ông Khánh đều phải cố gắng sinh sống, xoay xở trong ngôi nhà nhỏ hẹp, tạm bợ.
Theo ông Phạm Trọng Khanh, số 219 ngõ 141 Giáp Nhị, Hoàng Mai, ngôi nhà trước đây của ông có diện tích hơn 47m2. Sau khi bị giải tỏa để mở đường, căn nhà chỉ còn gần 17 m2 với điểm hẹp nhất chỉ khoảng 50cm, số tiền đền bù cũng chỉ đủ để xây lại căn nhà mới, không thể mua nhà, đất ở nơi khác. Căn nhà có 2 tầng, tầng 1 chỉ đủ làm nơi nấu ăn, bộ bàn ghế tiếp khách và cầu thang lên tầng 2. Ở tầng 2 được thiết kế làm nơi để máy giặt, phơi đồ và một phòng ngủ chung của 3 người gồm vợ chồng ông Khánh cùng cậu con trai đang học lớp 10.
Ngôi nhà của ông Phạm Trọng Khanh chỉ còn gần 17m2 với điểm hẹp nhất chỉ khoảng 50 cm sau khi mở rộng đường.
Thực tế, câu chuyện về những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới diễn ra mà nó đã kéo dài qua nhiều năm. Không khó để bắt gặp dọc một số tuyến đường trên địa bàn Thủ đô như Vũ Trọng Phụng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Minh Khai… sau giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án mở rộng đường đã xuất hiện những ngôi nhà có diện tích chỉ vài mét vuông, hình thù kỳ dị. Điều này gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và trực tiếp tác động đến chất lượng cuộc sống của một số hộ dân.
Để xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành và đưa ra hàng loạt văn bản, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở.
Năm 2016, UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc địa bàn Hà Nội, trong đó nêu rõ Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Tiếp đó, đến năm 2022, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện này ở hai bên đường, nhất là với những tuyến phố mới, các dự án mở đường. Thế nhưng, tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông, làm mất mỹ quan đô thị...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù đã có hành lang pháp lý nhưng việc xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa đạt được hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu kiên quyết trong quản lý của chính quyền địa phương và các quy định pháp luật còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc xử lý phần diện tích đất ở nhỏ hẹp còn lại của các hộ gia đình sau giải phóng mặt bằng thực hiện dự án của thành phố Hà Nội đã được đặt ra từ những năm 1990 nhưng nhiều quy định chưa gắn với thực tiễn.
“Chúng ta có những cơ chế khi đã không còn đủ diện tích đất để xây nhà ở thấp tầng thì phải giải quyết tái định cư, tuy nhiên việc thu xếp tái định cư cũng có nhiều vướng mắc do đó thực tế chỉ thu xếp nơi ở mới. Tuy nhiên, nơi ở mới này có mang lại thu nhập cho người dân hay không thì chúng ta cũng chưa tính đến”, ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Quy định rõ với các thửa đất không đủ điều kiện
Trên thực tế, việc hình thành các thửa đất nhỏ, siêu mỏng siêu méo sau khi mở rộng các tuyến đường là khó tránh khỏi, vấn đề đáng nói ở đây đó là cách xử lý vấn đề của từng địa phương khác nhau, dẫn đến kết quả cũng khác nhau.
Đơn cử như tại dự án đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy (quận Long Biên) chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 10/2024. Để thực hiện dự án, UBND quận Long Biên đã thu hồi đất của 485 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, trong đó 25 hộ gia đình có diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2. Toàn bộ diện tích này đã được đánh dấu, quây tôn, chờ phương án xử lý. Trong trường hợp không hợp thửa, hợp khối, UBND quận sẽ đưa vào diện thu hồi, lập phương án quản lý và khai thác, trong đó ưu tiên phục vụ cho mục đích công cộng như xây dựng vườn hoa, tiểu cảnh, khu vui chơi.
Tương tự, các tuyến đường như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, rồi đường Lê Trực… các thửa đất nhỏ này đều được tạm quây tôn, không để phát sinh các công trình “méo mó” sau đó mới triển khai dần các phương án thích hợp.
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền từng địa phương chính là “công cụ” hiệu quả nhất để sớm ngăn chặn các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo.
“Siêu mỏng, siêu méo” là cụm từ quen thuộc để gọi những căn nhà hầu hết đều mọc lên sau khi giải phóng mặt bằng, mở rộng các tuyến đường.
Được biết, nhằm tăng cường thêm một bước ngăn chặn các công trình nhà ở siêu mỏng, siêu méo sau khi mở rộng đường, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND (ngày 27/9/2024) quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND nêu rõ các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, đối với đất ở là thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15 m², kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3 m; thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa…
Quyết định cũng nêu rõ việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại. Theo đó, trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất do không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý theo quy định của pháp luật. Những thửa đất không đủ điều kiện tồn tại sẽ bị thu hồi để bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả, phù hợp quy hoạch và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Theo Quyết định 61, nếu người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện sẽ hướng dẫn hợp thửa đất với các mảnh đất lân cận hoặc thực hiện việc chuyển nhượng. Đối với trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đủ điều kiện cấp, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục. Thời gian hoàn thành việc hợp thửa đất là 180 ngày cho đất phi nông nghiệp và 90 ngày cho đất nông nghiệp, tính từ thời điểm có thông báo thu hồi đất.
Đây được coi là hành lang pháp lý quan trọng trong xác định, xử lý các trường hợp đất nhỏ, lẻ, không đủ điều kiện tồn tại sau giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án.
Tuấn Dũng