Hà Nội quyết tâm thu hẹp khoảng cách ngoại ngữ giữa trường nội và ngoại thành

Hà Nội quyết tâm thu hẹp khoảng cách ngoại ngữ giữa trường nội và ngoại thành
12 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng đông đảo thầy cô giáo tham dự hội nghị.
Ngày 9/1, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội và ngoại thành Hà Nội. Với sự tham gia của chuyên gia, các công ty công nghệ, trung tâm ngoại ngữ, cán bộ quản lý cùng đông đảo giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại các nhà trường trên địa bàn TP, hội nghị được đánh giá là kịp thời và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giải pháp để khoảng cách chất lượng dạy - học ngoại ngữ giữa các trường nội thành và ngoại thành được xích lại gần hơn.
Yêu cầu cấp thiết
Kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội và ngoại thành Hà Nội là một trong những giải pháp để thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về việc dần đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là: 100% giáo viên ngoại ngữ được tập huấn phương pháp giảng dạy hiện đại; triển khai đồng bộ giải pháp công nghệ trong giảng dạy tại các trường TH, THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; xây dựng mô hình “cặp trường kết nghĩa” nhằm trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ trong việc dạy - học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa để hội nhập quốc tế, mở ra cánh cửa tri thức và cơ hội phát triển cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các khu vực nội thành và ngoại thành Thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều khoảng cách.
Ở các khu vực nội thành, nhờ có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, học sinh được tiếp cận với những chương trình đào tạo tiên tiến, giáo viên giàu kinh nghiệm và các tài liệu học tập phong phú. Trong khi đó, các trường vùng ngoại thành, dù các thầy cô đã rất nỗ lực nhưng điều kiện còn nhiều hạn chế, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến nguồn tài liệu hỗ trợ. Điều này khiến học sinh ở ngoại thành gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ khiến giảm cơ hội cạnh tranh và hội nhập.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội thành và ngoại thành không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là trách nhiệm lâu dài của toàn ngành giáo dục Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để hiện thực hóa phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau", hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, công bằng và bền vững cho mọi học sinh.
Nhiều giải pháp tích cực
Là một trong những địa bàn khó khăn, vị trí xa trung tâm nhưng nhiều năm trở lại đậy, chất lượng dạy và học tiếng Anh tại huyện Ba Vì đã có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng là điểm trung bình tiếng Anh tại kỳ thi vào lớp 10 được nâng cao; học sinh huyện Ba Vì đã tham dự và giành giải cao trong nhiều kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh.
Giáo viên Hà Nội tham dự hội nghị.
Chia sẻ giải pháp để đạt được thành quả đáng khích lệ nêu trên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, đơn vị đã tham mưu chính quyền địa phương xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”; tăng cường bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh. Các trường trên địa bàn cũng tích cực đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, kết nghĩa với các trường có chất lượng dạy - học ngoại ngữ tốt ở khu vực nội thành, như Trường THCS Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ), Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)... Cùng với đó, Ba Vì nỗ lực tạo ra môi trường để học sinh làm quen, phát triển tiếng Anh thông qua tranh vẽ, hình ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí trường, lớp và các cuộc thi về tiếng Anh…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Quốc Toản trao đổi về những nội dung và giải pháp trọng tâm trong kế hoạch để các thầy cô, nhà trường nắm rõ. Theo đó, các nhà trường sẽ đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng các phương pháp hiện đại như lớp học đảo ngược, học qua dự án, kết hợp các hoạt động giao lưu, thuyết trình bằng tiếng Anh; triển khai phần mềm học tập tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ tự học, tổ chức các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các trường học huyện Ba Vì.
Xây dựng phong trào “Tháng tự học” để khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ qua nền tảng công nghệ, phát triển kỹ năng tự học và tư duy sáng tạo; thực hiện các buổi giảng dạy mẫu, chia sẻ tài nguyên giữa giáo viên nội và ngoại thành, xây dựng kho tài liệu trực tuyến; tích cực đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường, phấn đấu có các phương tiện, trang thiết bị công nghệ và tài khoản, phần mềm… để dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các tài khoản giúp học sinh tự học.
Kế hoạch sẽ được thực hiện qua 2 giai đoạn; từ 1/2025, tập trung triển khai thí điểm mô hình cặp trường kết nghĩa, các lớp học mẫu và phong trào tự học ngoại ngữ. Tiếp đó, từ 6/2025 sẽ nhân rộng mô hình trên toàn TP, bảo đảm học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với nội thành.
Muốn thực hiện thành công kế hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng. Bởi vậy, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kêu gọi các Phòng GD&ĐT theo sát và hỗ trợ các trường trong việc triển khai các giải pháp đề ra; các trường học phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và khả thi; các giáo viên là những người truyền cảm hứng, định hướng, hỗ trợ học sinh trong việc tự học, tự phát triển. Đặc biệt, học sinh cần tích cực rèn luyện bản thân, phát triển kỹ năng và khám phá những cánh cửa tri thức mới.
Tạihội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ" trên TP Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các đơn vị nhấn nút chính thức phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ".
Phong trào sẽ thúc đẩy tinh thần tự học của học sinh, khơi gợi niềm đam mê học tập với các hoạt động cụ thể: học sinh dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tự học ngoại ngữ; thầy cô hỗ trợ học sinh bằng cách xây dựng tài liệu tự học và tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ; các trung tâm ngoại ngữ hỗ trợ tổ chức các lớp học, hội thảo hoặc tài liệu miễn phí cho học sinh ngoại thành.Phong trào này không chỉ dành cho học sinh, mà còn là cơ hội để thầy cô và các trung tâm ngoại ngữ thể hiện vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhân dịp này, các công ty, đơn vị, trung tâm ngoại ngữ trao tặng ngành giáo dục Hà Nội 1.000.000 tài khoản nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến; 300 bài thi, 500 bài khảo sát level test, 2.000 học liệu điện tử; toàn bộ giải thưởng trao tặng thầy cô, học sinh tham gia "Tháng tự học ngoại ngữ"...
Nam Du
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-quyet-tam-thu-hep-khoang-cach-ngoai-ngu-giua-truong-noi-va-ngoai-thanh.html