Phát hiện loạt sai phạm số lượng “khủng”
Trong các ngày đầu tháng 5/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an thành phố phối hợp lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội, phát hiện, xử lý hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Lực lượng Công an thành phố và Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho hàng tập kết hàng hóa của các công ty dược phẩm.
Điển hình là ngày 6/5/2025, Đội QLTT số 14 đã phối hợp cùng Đội 7, Phòng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thiết kế và in Đức Phương có địa chỉ tại Lô C5-D5-12, Cụm sản xuất làng nghề tập trung, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (trụ sở chính tại số 878 đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty hoạt động không có xác nhận đăng ký hoạt động in từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tiếp đó, đoàn tiến hành kiểm tra tại Công ty CP thương mại Open Pharma (có địa chỉ tại Nhà B1, BT3 Ngõ 214 Nguyễn Xiển, Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân).
Nhiều sản phẩm thực phẩm bổ sung có dấu hiệu giả mạo bị phát hiện
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 9.000 hộp sản phẩm ăn dặm nhãn hiệu LIOCARE không có hóa đơn chứng từ do Ấn Độ sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên đã bị tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định pháp luật.
Ngày 7/5/2025, Đội 7, Phòng PC03 đã chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm MEDICAL Việt Nam tại địa chỉ số 114 DV3, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội (trụ sở chính tại số 93 Ngô Thì Sỹ, phường Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận số lượng lớn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm đặt âm đạo, siro uống, xịt mũi… đang được bày bán tại cơ sở, với tổng số lượng hơn 30.000 sản phẩm được sản xuất tại các nước như: Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ba Lan...
Nhiều sản phẩm không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hoặc có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, doanh nghiệp không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, không thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định.
Cùng ngày, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dược phẩm Lam Sơn có địa chỉ: tầng 4, số 65, Lô 5, Khu đô thị Đền Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận Công ty đang kinh doanh lô hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe VICSEN (xuất xứ Pháp) với tổng số lượng khoảng hơn 2.000 hộp.
Đại diện Công ty là ông Lê Tá Nguyên - Giám đốc đã cung cấp các tài liệu như: tờ khai hải quan, phiếu công bố sản phẩm, giấy tiếp nhận bản công bố…; tuy nhiên vẫn chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng đang kiểm tra.
Toàn bộ lô hàng nêu trên hiện đã được lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra, xác minh. Đội QLTT số 17 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội để xử lý theo quy định.
Ngày 8/5/2025, Đội QLTT số 10 phối hợp với Phòng PC03 và Công an thị trấn Quang Minh kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dược phẩm Đức Phát tại địa chỉ số 65, đường Hoa Điệp Vàng, khu đô thị Long Việt, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 464 thùng hàng, chứa hơn 40.000 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang các nhãn hiệu như: GOLD OMEGA-3.6.9, GENZEN, TONIC JOINT, BONES PRO, SUDATIN, GANIC LIVER, COIMEX, HEPA GOOD...
Qua xác minh ban đầu, đại diện cơ quan Công an cho biết toàn bộ số hàng này có liên quan đến đối tượng Phạm Ngọc Tiến (sinh năm 1988, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông) - người đang bị điều tra trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả do Phòng PC03 thụ lý.
Tiếp đó, ngày 9/5/2025, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng PC03 tiếp tục kiểm tra tại trụ sở Công ty TNHH Dược phẩm V-care, địa chỉ: Số C49-09, khu đô thị Geleximco, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty này đã mua gần 90.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung từ Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (sinh năm 1988).
Danh mục hàng hóa bao gồm nhiều dòng sản phẩm như: LUMINA GEL, PROBI V PLUS, METONIS-CD, ORNAGYL, NUTRICALCI PLUS, HEMONA, ACTILIFE, REVAG-M, VAGANEO-L, EGARONE 200, OMEGA Q10, INTIMAXXPLUS...
Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo trên đã được lực lượng QLTT lập biên bản, niêm phong, tạm giữ chuyển cơ quan Công an điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 15/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 17 và Công an xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can tại thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 11.430 hộp thực phẩm các loại (trà, sữa hạt, viên uống...).
Sản phẩm thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng do Mộc Can sản xuất. Ảnh: Công an Hà Nội
Lực lượng chức năng xác định Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can đã vi phạm nhiều quy định như: Không thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; Hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; Ghi nhãn sản phẩm với thông tin sai lệch, không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa - cụ thể là mô tả công dụng sản phẩm theo hướng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tính năng, tác dụng điều trị hoặc chữa bệnh của thực phẩm.
Đáng chú ý, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can được quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (website, TikTok, Shopee...) với những thông tin sai lệch khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm là thuốc chữa bệnh, từ đó đặt niềm tin sai lệch, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời làm sai lệch môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo cơ quan Công an, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khi nhập khẩu thực phẩm chức năng về và dùng hồ sơ để che đậy cho việc sản xuất hàng giả. Các đối tượng chỉ nhập khẩu một phần, còn lại 99% là tự sản xuất trong nước theo những công thức tự nghĩ ra để điều phối, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ hay Ấn Độ.
Khuyến cáo cho người tiêu dùng
Liên tiếp những vụ phát hiện thực phẩm, dược phẩm chức năng giả, kém chất lượng với số lượng “khủng” gần đây khiến người tiêu dùng hoang mang. Và nhiều thông tin chi tiết về những loại thực phẩm vi phạm chưa được công bố. Chính vì thế, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng khi không biết liệu những sản phẩm mình đang sử dụng hằng ngày có nằm trong số hàng giả đã bị thu giữ hay không.
Hiện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Công an Hà Nội để xác minh các sản phẩm liên quan. Trong thời gian này, Cục khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm có hình ảnh được báo chí đăng tải. Sau khi có kết luận điều tra, Cục An toàn thực phẩm sẽ công bố danh sách các sản phẩm giả trên website để người dân nắm rõ.
Việc sớm công bố danh sách chính thức các sản phẩm thực phẩm chức năng giả liên quan đến vụ án không chỉ giúp người dân tự bảo vệ mình, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ lan rộng của hàng giả trên thị trường.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu Công an thành phố khẩn trương điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; tổ chức các chuyên án điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và tổ chức đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo phân cấp và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Cùng với đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế, Sở Công thương tổng rà soát và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hai sở chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh; phối hợp xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Các cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng: việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc có yếu tố “quảng cáo công dụng vượt mức” tránh để “tiền mất, tật mang”.
Lê Minh