Hàng loạt vi phạm bị phát hiện
Trong khuôn khổ Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, hàng loạt vụ kiểm tra đột xuất trên địa bàn Hà Nội đã phơi bày những vi phạm nghiêm trọng, cho thấy thực trạng báo động về vấn nạn thực phẩm bẩn, mất an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từ kho lạnh, bếp ăn tập thể cho đến nơi cung cấp suất ăn học đường đều bị phát hiện sai phạm, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Ngày 21/4, chiến dịch kiểm tra đột xuất được triển khai tại một kho lạnh gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Lực lượng chức năng thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 17 đã thu giữ gần 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm không rõ nguồn gốc.
Chủ lô hàng khai nhận toàn bộ số thực phẩm được thu gom trôi nổi, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nghiêm trọng hơn, nhiều sản phẩm đã bốc mùi, hư hỏng, có thể gây ngộ độc nếu lọt ra thị trường. Nếu không bị ngăn chặn kịp thời, số thực phẩm bẩn này có thể đã được tuồn vào các chợ, nhà hàng, quán ăn, thậm chí bán qua kênh trực tuyến, đe dọa sức khỏe hàng vạn người dân Thủ đô.
Ngày 24/4, Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 tiếp tục kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Bếp Lang Liêu tại quận Tây Hồ. Kết quả kiểm tra phơi bày một loạt sai phạm: khu chế biến mất vệ sinh; gián, ruồi xuất hiện trong khu sản xuất; thực phẩm để dưới nền kho, cống rãnh hở... Các loại bán thành phẩm không có nhãn mác, không ghi ngày sản xuất, tên sản phẩm; nhãn thực tế không khớp với hồ sơ công bố...
Tình trạng đáng báo động không chỉ dừng lại ở các cơ sở chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp. Ngày 18/4, Đoàn đã đột xuất kiểm tra Công ty TPT Đầu tư Thương mại và Dịch vụ tại số 7 - phố Vạn Phúc (quận Ba Đình) - đơn vị cung cấp suất ăn cho 11 trường học. Kết quả kiểm tra cho thấy: bếp ăn tạm bợ, tầng hầm ẩm thấp, nền bếp cáu bẩn, trơn trượt, dụng cụ chứa thực phẩm không có tủ bảo quản… Nghiêm trọng nhất là sự xuất hiện của phân chuột, phân gián ngay trong khu chế biến suất ăn cho học sinh.
Ở huyện Chương Mỹ, Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam - nơi từng xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 25 công nhân nhập viện vào năm 2019 - một lần nữa bị phát hiện hàng loạt sai phạm trong khu vực bếp ăn tập thể. Thiết bị hoen gỉ, nền nhà đọng nước, mùi hôi bốc lên từ cống, 100% khay inox chứa thực phẩm không đạt chuẩn...
Siết chặt hậu kiểm, xử lý nghiêm minh
Thực tế kiểm tra cho thấy, vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra tràn lan, ở mọi cấp độ. Trong quý I/2025, riêng huyện Thanh Trì đã xử lý hơn 600 cơ sở, phạt 43 cơ sở với tổng số tiền lên đến 311 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm vẫn hoạt động nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, thiếu nhân lực chuyên trách về an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành y tế trực tiếp quản lý hơn 46.000 cơ sở.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Thành phố đã triển khai điều tra thực trạng và ghi nhận hình ảnh của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố quanh khu vực cổng trường học tại các quận, huyện, thị xã.
Sau cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh, Trưởng đoàn Kiểm tra số 3 nhấn mạnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm không chỉ diễn ra trong Tháng hành động, mà phải được thực hiện thường xuyên và đột xuất. Chính quyền Thành phố yêu cầu các đoàn kiểm tra hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm và tăng cường giám sát để ngăn ngừa tái diễn các vi phạm an toàn thực phẩm.
Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để cải thiện công tác an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh cần phải đảm bảo điều kiện vệ sinh tối thiểu, tránh để xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, bà Bùi Thị Lan Phương khẳng định, quận Tây Hồ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với học sinh trong nhà trường và quản lý chặt khu vực trước cổng trường. “Chúng tôi sẽ triển khai công tác an toàn thực phẩm theo nguyên tắc: không hình thức, không khoa trương, triển khai thực chất, tăng cường kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, bà Phương nhấn mạnh.
Sức khỏe người dân không thể bị đặt cược bởi sự tắc trách của một vài cá nhân hay doanh nghiệp vì lợi nhuận. Đã đến lúc phải mạnh tay, truy cứu trách nhiệm đến cùng với mọi hành vi vi phạm, bởi thực phẩm bẩn không chỉ là mối nguy y tế, mà còn là tội ác đối với cộng đồng.
Mộc An