Đây là sự kiện thường niên nhằm kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, đồng thời góp phần chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2025.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội là hoạt động kích cầu du lịch thường niên, quảng bá du lịch Hà Nội - Ảnh: HNM
Lễ hội không chỉ là dịp tôn vinh các giá trị di sản văn hóa thế giới và quốc gia mà còn góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống, đưa Hà Nội trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Những danh hiệu danh giá như “Top 2/25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới năm 2025”, “Top 7/25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2025” hay “Top 14/25 điểm đến được yêu thích nhất mọi thời đại” do Tripadvisor bình chọn tiếp tục khẳng định vị thế của Thủ đô.
Với sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa và nghề truyền thống, chương trình giới thiệu hàng loạt quà tặng du lịch mang đậm dấu ấn Hà Nội. Mỗi sản phẩm không chỉ là vật phẩm lưu niệm mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa, trở thành sứ giả truyền tải bản sắc vùng đất nghìn năm văn hiến.
Lễ hội còn là cầu nối giữa du lịch với văn hóa, thúc đẩy quảng bá các điểm đến, dịch vụ và sản phẩm du lịch Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước.
Ban tổ chức mong muốn qua sự kiện này sẽ mở rộng các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, kết nối di tích với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Một trong những điểm nhấn của lễ hội là không gian làng nghề, nơi du khách có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về các nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, nghề đúc đồng Ngũ Xã, cốm Làng Vòng... Những sản phẩm thủ công đặc sắc này không chỉ là quà tặng ý nghĩa mà còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, đưa nghề truyền thống vươn xa hơn trên thị trường du lịch quốc tế.
Bên cạnh việc nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, chương trình cũng thúc đẩy khả năng chi tiêu của du khách, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội làng nghề, doanh nghiệp và nghệ nhân, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn.
Các hoạt động được tổ chức với quy mô lớn, sáng tạo và có sự huy động mạnh mẽ từ nguồn lực xã hội hóa, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Thủ đô.
Với hệ thống 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích quốc gia đặc biệt, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề truyền thống, Hà Nội khẳng định vị thế là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Vân Anh