Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
4 giờ trướcBài gốc
Chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão, đồng thời, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Hà Nội liên tiếp tổ chức các chương trình Hội chợ, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 99.450 tấn/tháng, tương đương với 1,19 triệu tấn/năm; thịt lợn khoảng 19.890 tấn lợn hơi/tháng và thịt gà, vịt khoảng 6.630 tấn thịt/tháng, tương đương với 79.560 tấn/năm; thủy, hải sản tươi, đông lạnh khoảng 5.520 tấn/tháng, tương đương 66.300 tấn/năm; thực phẩm chế biến khoảng 5.520 tấn/tháng, tương đương với 66.300 tấn/năm…
Để làm tốt việc này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, trước những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, đồng thời giảm thiểu sự ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa dịp cuối cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát toàn bộ nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương; trường hợp kinh phí dự phòng không đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, các địa phương chủ động có đề xuất ngay để Sở Tài chính tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung kịp thời phương án hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, chuẩn hóa chính thức số liệu thiệt hại trên địa bàn, sử dụng nguồn dự phòng của địa phương để thực hiện hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời đến các đối tượng theo đúng quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố; trường hợp thiếu nguồn, khó khăn, vướng mắc phát sinh kịp thời phối hợp với các sở chuyên ngành để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với việc hỗ trợ phục hồi sản xuất, thúc đẩy sản xuất vụ Đông bù đắp thiếu hụt sản lượng do thiệt hại sau cơn bão số 3, UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, đề xuất nhu cầu hỗ trợ để phát triển sản xuất cây vụ Đông, khôi phục sản xuất, bù đắp sản lượng lương thực, thực phẩm bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão, lũ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Đề cập đến công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp làm việc với các nhà cung cấp để đẩy mạnh lượng cung ứng hàng hóa (trong đó các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường).
Khi Thành phố bị ảnh hưởng do mưa bão gây úng ngập, các doanh nghiệp cũng đã tăng cường vận chuyển hàng hóa liên tục đến các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường thời gian mở cửa phục vụ người dân.
Đối với mặt hàng rau củ (nguồn cung, giá bán bị ảnh hưởng do mưa bão, úng ngập khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, thu hoạch vận chuyển khó khăn), các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thêm từ các tỉnh phía Nam, Đà Lạt (tăng số chuyến hàng vận chuyển và tăng số lượng hàng hóa mỗi chuyến) để bổ sung ngay lượng hàng còn thiếu phục vụ nhân dân.
Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây sự cố một số lưới điện khu vực, phần lớn là do cây, vật thể lạ gãy, đổ, bay vào đường dây và trạm biến áp. Theo đó, thiệt hại đối với lưới truyền tải ước khoảng 721 triệu đồng; lưới điện của EVNHANOI ước khoảng 30 tỷ đồng; lưới điện của các tổ chức kinh doanh điện ước khoảng 1.162 triệu đồng.
Trước ảnh hưởng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo EVNHANOI và các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn Thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là các khu có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…
Để tăng cường bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân sau bão số 3 và dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán 2025, Sở Công Thương tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn (nhất là các khu vực bị úng, ngập) để kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp điều tiết, bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng bởi mưa, bão nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của các tỉnh có thể cung ứng cho Hà Nội; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt phục vụ nhân dân...
Đồng thời đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường…
Đỗ Đạt
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/ha-noi-san-sang-nguon-cung-hang-hoa-thiet-yeu-dip-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan-178613.html