Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội
Bức tranh sản xuất công nghiệp Thủ đô nửa đầu năm 2025 mang gam màu pha trộn, khi những tín hiệu khởi sắc đan xen với không ít thách thức từ môi trường quốc tế. Tuy vậy, Hà Nội vẫn duy trì được đà tăng trưởng công nghiệp, với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng tháng 6, chỉ số IIP ước tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, “xương sống” của ngành công nghiệp, ghi nhận mức tăng 4,2% so với tháng trước và 8,4% so với cùng kỳ. Một số ngành ghi dấu ấn rõ nét như sản xuất và phân phối điện tăng 15,4% so với tháng trước; cung cấp nước, xử lý rác và nước thải tăng 1,7%; khai khoáng tăng 4,7% dù vẫn giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng quý II/2025, chỉ số IIP toàn ngành tăng 7,3% so với cùng kỳ. Các ngành chủ lực tiếp tục giữ vai trò đầu tàu: chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 4,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 8,7%. Tuy nhiên, ngành khai khoáng vẫn giảm sâu tới 7,1%. Trong nhóm chế biến, chế tạo, nhiều ngành có mức tăng mạnh: sản xuất xe có động cơ tăng 14,4%; sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng 13,7%; sản xuất trang phục và sản phẩm khoáng phi kim loại đều tăng trên 12%.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%, ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6%, trong khi khai khoáng giảm 5,8%.
Một số ngành chế biến, chế tạo thể hiện rõ xu hướng phục hồi mạnh mẽ như sản xuất máy móc thiết bị tăng 23,7%; sản phẩm khoáng phi kim tăng 16,9%; xe có động cơ tăng 14,8%; da và các sản phẩm liên quan tăng 11,4%; dệt may tăng hơn 11%; sản xuất kim loại tăng 9,6%. Tuy nhiên, một số ngành vẫn sụt giảm nhẹ như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 3,6%), thiết bị điện (giảm 3,1%) và phương tiện vận tải (giảm 0,2%).
Điểm tích cực tiếp theo là chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3% trong 6 tháng đầu năm. Một số ngành có mức tiêu thụ tăng cao như máy móc thiết bị (24,3%), kim loại (23%), dệt (10,4%), sản phẩm da (9,1%). Ngược lại, tiêu thụ ở các ngành như phương tiện vận tải, thuốc hóa dược, giấy, sản phẩm kim loại và thiết bị điện lại sụt giảm.
Đáng chú ý, chỉ số tồn kho của toàn ngành chế biến, chế tạo đến cuối tháng 6/2025 giảm sâu 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tín hiệu cho thấy áp lực hàng tồn đã được giải phóng đáng kể. Nhiều ngành có mức giảm tồn kho mạnh như thuốc và dược liệu (giảm 65,6%), cao su và plastic (giảm 60,8%), sản phẩm dệt (giảm 36,8%) và kim loại (giảm 26,1%). Tuy nhiên, một số ngành lại chứng kiến mức tăng tồn kho cao, điển hình là thực phẩm chế biến (tăng 84,5%), sản phẩm da (45,3%) và thuốc lá (35%).
Về lao động, lực lượng làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội đến cuối tháng 6 tăng 0,9% so với tháng trước và 0,3% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, chỉ số sử dụng lao động lại giảm nhẹ 0,1%. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3,4%, khu vực Nhà nước giảm 1,3%, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng 2,5%. Phân theo ngành nghề, lao động trong các ngành chế biến, chế tạo và sản xuất điện gần như không thay đổi so với năm trước, trong khi ngành cung cấp nước, xử lý rác tăng 2,6% và khai khoáng giảm mạnh tới 31,5%.
Toàn cảnh sản xuất công nghiệp Thủ đô 6 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh với nhiều gam màu sáng. Dù đối mặt với khó khăn từ bên ngoài, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự điều hành linh hoạt từ chính quyền đã giúp Hà Nội giữ vững nhịp tăng trưởng. Với đà phục hồi tích cực của ngành chế biến, chế tạo, cùng kỳ vọng từ chính sách hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô, công nghiệp Thủ đô được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì phong độ trong những tháng cuối năm 2025.
Nguyễn Đăng