Khẳng định vai trò đầu ngành, phát huy nội lực ngành cơ khí Việt Nam
Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Tham dự buổi làm việc có đại diện các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị cơ bản đã hoàn thành chương trình đề ra. Tiếp theo phần báo cáo ngắn gọn, rõ ràng của đồng chí Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí Phan Đăng Phong, đã có gần 20 ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị chức năng và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản thống nhất nhận định rằng những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đoàn kết, năng động, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích kết quả nổi bật.
Thứ nhất, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà - một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, “xương sống”, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, Viện đã làm khá tốt vai trò tư vấn chính sách, tích cực tham mưu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành cơ khí, chế tạo máy. Đặc biệt, gần đây Viện đã hoàn thành và trình Bộ phê duyệt Đề án phát triển thiết bị cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo thuận lợi cho ngành cơ khí trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp các thiết bị cho các ngành sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, Viện không chỉ thực hiện tốt công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ nền, mà còn chủ động, tích cực ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống, làm chủ được công tác thiết kế, chế tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, then chốt (như: thiết bị cơ khí thủy công, các hệ thống thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, ô tô - xe máy, năng lượng mới, công nghệ cao, tự động hóa quá trình sản xuất…).
Thứ tư, công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí - tự động hóa tại Viện được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành và đất nước.
Thứ năm, Công tác xây dựng, phát triển Đảng và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại Viện được chú trọng; được Đảng Bộ cấp trên đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tục.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, Bộ trưởng cho biết Viện vẫn còn một số tồn tại như việc quán triệt chủ trương, chính sách còn chưa đồng bộ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa cao; tính chủ động và chất lượng tham mưu chính sách còn hạn chế; trình độ cán bộ chưa đồng đều, đặc biệt về ngoại ngữ và năng lực thực tiễn. Nguyên nhân của các hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là:
Một số lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện chưa quán triệt thật sâu sắc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, cơ chế có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ngành nói chung, nhất là những lĩnh vực mới nổi (như công nghiệp bán dẫn, , đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân, hàng loạt các nhiệm vụ mà Ngành đang được Đảng, Nhà nước giao…), dẫn tới còn lúng túng, chưa chủ động tham gia vào các chương trình, dự án lớn của Quốc gia và của Ngành; chưa chủ động tham mưu, đề xuất cho Bộ có được những hoạch định về mặt đường lối, tổ chức thực thi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tinh thần học tập nâng cao trình độ của một số cán bộ, viên chức của Viện chưa thật cao; một bộ phận cán bộ, viên chức yếu về ngoại ngữ, khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ, giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ phát sinh trong thực tế còn hạn chế; một số đề tài nghiên cứu giá thành còn cao dẫn đến khó ứng dụng vào thực tiễn.
“Viện cần có chiến lược, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ trong nước và nước ngoài, song phải có cơ chế quản lý sử dụng một cách hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Việc phối hợp trong công tác giữa các đơn vị trong Viện với nhau và với các đơn vị thuộc Bộ với Viện hay các lĩnh vực có cùng chức năng chưa thật tốt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong công tác tham mưu hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển Ngành.
5 nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển dài hạn cho Viện Nghiên cứu Cơ khí
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng đầy dãy khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Cấn Dũng
Ngành cơ khí, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và công nghiệp mới nổi, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của Cuộc cách mạng 4.0.
Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung, ngành Cơ khí, chế tạo nói riêng (đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng, đột phá về: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt các dự án, công trình lớn của quốc gia như điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh; các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt, năng lượng, điện lực,…
“Đó cũng là những dư địa mới mà Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng như các Viện, các đơn vị thuộc Bộ cần nghiên cứu, từ đó, tự đặt ra cho mình các nhiệm vụ, mục tiêu và tự đưa ra giải pháp để phấn đấu thực hiện. Đây là những nhân tố rất thuận lợi, tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước, các đơn vị chức năng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và công nghiệp mới nổi, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của Cuộc cách mạng 4.0.
Để Viện Nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành, của đất nước, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định, chính sách của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương nói chung và lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng; đặc biệt là: (1) Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (3) Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Hai là, tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện; trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển Ngành và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cần tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong các lĩnh vực mà Viện có thế mạnh; chủ động, mạnh dạn tham gia vào các ngành, lĩnh vực CN công nghệ cao, công nghiệp mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp khác (như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, ô tô tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghiệp đường sắt, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học…), góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành cơ khí - tự động hóa Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
“Hội nhập kinh tế đất nước ta trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu, nhưng mục tiêu của hội nhập không thể chỉ đo đếm bằng số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký, số các Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được thu hút, hay bằng kim ngạch xuất khẩu tăng cao qua hằng năm, mà cần phải được đo đếm bằng khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, các đơn vị chức năng của Việt Nam. Là những đơn vị tiên phong của Ngành, và cũng là đơn vị tiên phong của đất nước trong lĩnh vực cụ thể, tôi mong các đồng chí lưu ý để thực hiện tốt hơn chức năng của mình”, Bộ trưởng lưu ý.
Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; mọi hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học và công nghệ thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong Ngành và cả nước được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn, giúp các DN trong Ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực KHCN, tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của Cuộc cách mạng 4.0.
“Bộ Công Thương đã và đang có mối quan hệ rộng rãi, chặt chẽ với các đối tác, nhất là các đối tác phát triển, cùng với đó là những chương trình hợp tác trong việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng phát triển. Đó là điều kiện để Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng như các Viện thuộc Bộ tham gia”, Bộ trưởng cho biết
Đồng thời từng bước hình thành các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của Viện.
Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước, trong và ngoài Ngành nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển nền công nghiệp 4.0.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành cơ khí - tự động hóa và các chuyên ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt khác, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của Ngành và của đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao cờ thi đua của Bộ Công Thương cho Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam năm 2024. Ảnh: Cấn Dũng
Đồng thời, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Cơ khí nặng, Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023 - 2024. Ảnh: Cấn Dũng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Cấn Dũng
Tại buổi làm việc ngày 4/7, Viện Nghiên cứu Cơ khí có 6 kiến nghị, đề xuất thuộc lĩnh vực của các đơn vị (Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công; Cục Công nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính và Quản lý doanh nghiệp); Đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã trao đổi, giải đáp về một số kiến nghị của Viện. Bộ trưởng cũng đã có ý kiến chỉ đạo để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Viện.
Quỳnh Nga - Lê An