[Megastory] Toàn cảnh 'sức bật Đồng Nai mới' sau hợp nhất (Bài 5)

[Megastory] Toàn cảnh 'sức bật Đồng Nai mới' sau hợp nhất (Bài 5)
5 giờ trướcBài gốc
Chủ trương sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, quản lý, tổ chức lại không gian phát triển theo hướng mở rộng, gắn kết, bền vững, phát huy lợi thế theo quy mô và tối ưu hóa nguồn lực.
Đây không chỉ là quyết định hành chính đơn thuần về việc cộng gộp địa giới, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược cùng nội lực dồi dào, hòa cùng nhịp đập của một đất nước đang trong “kỷ nguyên vươn mình” mạnh mẽ.
Cảng Long Bình Tân (Công ty CP Cảng Đồng Nai), một trong những khu vực cung cấp dịch vụ logistics lớn của tỉnh. Ảnh: Ngô Phước Tuấn
Và, tỉnh Đồng Nai mới ấy đang sẵn sàng bước vào vận hội mới với đầy đủ “thế” và “lực”, mở ra cánh cửa rộng lớn cho không gian phát triển đa chiều và đầy tiềm năng trong tương lai.
Tỉnh Đồng Nai mới với diện tích tự nhiên là 12.737,18km2, quy mô dân số là 4.491.408 người, sẽ trở thành một trong những “siêu tỉnh” có quy mô phát triển hàng đầu cả nước.
Một góc trung tâm tỉnh Bình Phước - Ảnh: Tiến Dũng
Đặc biệt, theo định hướng chiến lược, tỉnh Đồng Nai mới sẽ tiến hành quy hoạch lại cơ cấu phát triển và không gian kinh tế một cách khoa học. Trong đó, đô thị Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch được định hướng chuyên sâu về phát triển đô thị thông minh, thương mại dịch vụ cao cấp và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo ra một trung tâm kinh tế năng động. Song song đó, vùng đất Bình Phước sẽ đảm nhiệm vai trò chiến lược về nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo chuỗi cung ứng vững chắc cho toàn tỉnh mới.
Amata sẽ xây dựng các khu công nghiệp xanh ở Đồng Nai. Ảnh: H. Lộc
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia và là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai, cả Đồng Nai và Bình Phước đều thuộc vùng Đông Nam Bộ. Khi hợp nhất, không gian phát triển của cả hai địa phương sẽ được mở rộng đáng kể. Đặc biệt, Bình Phước được đánh giá là vùng dự trữ công nghiệp chiến lược cho toàn vùng Đông Nam Bộ, do đó khi nhập tỉnh, Đồng Nai mới cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này.
Tổ hợp chăn nuôi chế biến thịt gà xuất khẩu quy mô bậc nhất khu vực Đông Nam Á do Công ty TNHH CPV Food, thành viên của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước - Ảnh: Bùi Liêm
Sự hợp nhất này không đơn thuần là việc mở rộng địa giới hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm tạo ra một cực tăng trưởng mới. Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển công nghiệp của Đông Nam Bộ, việc hình thành hai vành đai công nghiệp đô thị sẽ giúp Đồng Nai mới trở thành điểm kết nối quan trọng với biên giới Campuchia, đồng thời là vùng đệm chiến lược nối toàn bộ khu vực Tây Nguyên. Điều này sẽ giúp Đồng Nai phát huy tối đa vai trò là cửa ngõ giao thương và trung tâm logistics, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong thời gian tới.
Việc sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai không chỉ mang lại lợi ích cho hai tỉnh mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho cả vùng Đông Nam Bộ. Với Bình Phước là vùng dự trữ công nghiệp, Đồng Nai mới sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ các thế mạnh hiện có như cảng hàng không, cảng biển, đồng thời khai thác hiệu quả các cửa khẩu biên giới và sớm hình thành hệ thống đường sắt theo quy hoạch. Từ những tiền đề vững chắc này, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sức bật cho Đồng Nai mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số theo định hướng của Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và các đại biểu thực hiện nghi thức xúc cát khởi công Dự án Trung tâm Logistics chuỗi lạnh Đồng Nai tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 6. Ảnh: Phạm Tùng
Việc hợp nhất 2 tỉnh là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển vùng, phân bổ lại dân cư, hạ tầng, nguồn lực đầu tư theo định hướng chiến lược mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới.
Việc sáp nhập sẽ tối ưu hóa mọi nguồn lực về đất đai, nhân lực và vốn đầu tư, từ đó tạo ra một sức mạnh tổng hợp lớn hơn bao giờ hết để triển khai các dự án mang tầm vóc quốc gia và khu vực.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, logistics, công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, vốn đòi hỏi quy mô và sự đồng bộ.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm nhân công và tăng hiệu suất đang được nông dân Bình Phước (cũ) áp dụng - Ảnh: Tiến Dũng
Hơn nữa, sự kết hợp giữa thế mạnh công nghiệp và dịch vụ đã phát triển của Đồng Nai hiện hữu với lợi thế nông nghiệp và tài nguyên đất đai dồi dào, còn nhiều tiềm năng của Bình Phước sẽ mở rộng không gian phát triển một cách toàn diện. Điều này không chỉ tạo ra một nền kinh tế đa dạng và cân bằng, nơi công nghiệp và nông nghiệp cùng song hành, mà còn hình thành chuỗi giá trị khép kín và bền vững, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Bình Phước (cũ) với tài nguyên đất dồi dào, giao thông thuận lợi phù hợp phát triển nông nghiệp - Ảnh: Tiến Dũng
Đặc biệt, việc hợp nhất này sẽ tạo ra một lực hút mạnh mẽ đối với các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ thấy được tiềm năng của một thị trường rộng lớn hơn, một nguồn nhân lực phong phú và một hệ thống hạ tầng đang được đồng bộ hóa. Đây là “cơ hội vàng” để thu hút các dự án công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, gia tăng năng suất và sức cạnh tranh.
Xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Đồng Nai những ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: N.Liên
Để hiện thực hóa khát vọng này, việc điều chỉnh quy hoạch chung cho Đồng Nai mới là ưu tiên hàng đầu. Từ đó, tạo nên một chỉnh thể phát triển thống nhất, đồng bộ và có khả năng lan tỏa mạnh.
Liên quan đến việc tái cấu trúc mô hình phát triển cho tỉnh mới, tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất thêm 3 vấn đề trọng tâm. Trong đó, cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể phù hợp với điều kiện mới, tỉnh mới. Thứ hai, tập trung đầu tư vào các dự án ưu tiên, có tính đột phá như các tuyến đường giao thông liên tỉnh, kết nối giữa tỉnh mới và kết nối vùng, quy hoạch một số tuyến metro đường sắt đô thị. Điều thứ 3 và cũng là vấn đề quan trọng nhất, chính là tổ chức lại nền công vụ theo hướng phục vụ, chuyển đổi mô hình chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bình Phước còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch sinh thái - Ảnh: Tiến Dũng
Từ ngày 1-7-2035, tỉnh Đồng Nai (mới) sẽ được định hình bởi khả năng phát triển hài hòa giữa các yếu tố: vừa chú trọng phát triển công nghiệp nhưng cũng song song đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra một nền kinh tế đa dạng và bền vững; đồng thời, việc phát triển kinh tế sẽ đi đôi với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.
Hơn nữa, tỉnh Đồng Nai (mới) sẽ chủ động hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa, bản sắc riêng của vùng đất và con người Đồng Nai - Bình Phước, tạo nên một bản sắc riêng biệt và hấp dẫn, thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Phước xem biểu diễn đàn đá - “bảo vật quốc gia” của Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện
Với khát vọng "vươn mình" mạnh mẽ và vận hội lớn đang mở ra, sự sáp nhập của Đồng Nai và Bình Phước hứa hẹn sẽ tạo nên một động lực mới, đưa Đồng Nai mới trở thành điểm sáng trên bản đồ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước trong tương lai không xa.
Đồng Nai (mới) sẽ là minh chứng cho thấy sự hợp lực không chỉ là cộng gộp mà còn là sự nhân lên sức mạnh, đưa tầm vóc phát triển lên một tầm cao mới, kiến tạo một tương lai thịnh vượng và bền vững cho cả khu vực.
Với quyết tâm, sự tương đồng về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, cùng nền tảng kinh tế vững chắc, tin rằng tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa năng động, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh nhà.
Thực hiện: Nhóm PV
Đồ họa, Kỹ thuật: Kim Thoa, Xuân Dương
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202507/megastory-toan-canh-suc-bat-dong-nai-moi-sau-hop-nhat-bai-5-5710a62/