Kỳ vọng từ người dân
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số khoảng hơn 8,5 triệu người (12 quận, 17 huyện, một thị xã) và 526 đơn vị hành chính cấp xã (160 phường, 345 xã và 21 thị trấn).
Trong đó, quận Long Biên có diện tích lớn nhất là 56 km2, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất là 5,17 km2. Quận Hoàng Mai có dân số lớn nhất là hơn 430.000 người, Tây Hồ có dân số ít nhất 167.000 người.
Thành phố chưa công bố số phường, xã sau sắp xếp, nhưng nếu giảm 70% theo định hướng của Trung ương, Hà Nội sẽ còn 133 phường, xã và thị trấn. Đến nay, các quận, huyện của Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp xã, phường.
Phương án sắp xếp phường của quận Đống Đa. Ảnh minh họa
UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới, dự kiến xong trong ngày 29/4. Sau đó, thành phố sẽ hoàn thiện đề án và hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề sắp xếp phường, xã ở Hà Nội, bà Nguyễn Hương (phường Phương Mai, Hà Nội) cho biết, sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội bước vào một giai đoạn phát triển mới với yêu cầu về tinh gọn bộ máy, hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
“Trong bối cảnh đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường được xem là bước đi cần thiết, không chỉ để phù hợp với các tiêu chuẩn về dân số và diện tích theo quy định của Trung ương, mà còn nhằm tái cấu trúc hệ thống quản lý địa phương theo hướng hiện đại, tinh gọn và gần dân hơn”, bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, một số phường, xã trên địa bàn Thủ đô có quy mô quá nhỏ, dân số thấp hoặc phân tán, gây ra sự chồng chéo trong quản lý, lãng phí nguồn lực và khó khăn trong việc triển khai các chính sách công.
“Tôi cho rằng, sắp xếp lại các phường, xã là yêu cầu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức quản trị, cải thiện hiệu quả điều hành và phục vụ nhân dân một cách tốt nhất”, bà Hương cho hay.
Động lực phát triển mới
Cũng chia sẻ với phóng viên, chị Ngọc Linh (phường Kim Liên, Hà Nội) cho biết, Hà Nội dự kiến sáp nhập nhiều phường để hình thành các đơn vị hành chính mới. Với phương án này, thành phố đặt mục tiêu cắt giảm số đầu mối, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ và hiệu quả phục vụ người dân.
“Điều quan trọng là việc sắp xếp không chỉ đơn thuần là ‘ghép cơ học’ địa giới, mà phải được tổ chức một cách khoa học, dựa trên đặc điểm địa lý, văn hóa, nhu cầu thực tiễn và ý kiến người dân”, chị Linh bày tỏ.
Người dân Hà Nội đồng thuận cao với sắp xếp phường, xã, kỳ vọng bộ máy tinh gọn, dịch vụ công tốt hơn. Ảnh: Minh Hạnh
Theo chị Linh, nhiều người kỳ vọng sau sáp nhập, bộ máy hành chính sẽ được tổ chức lại một cách bài bản, tránh tình trạng “trên thừa dưới thiếu” cán bộ. Đồng thời, khắc phục được những tồn tại lâu nay như cơ sở vật chất xuống cấp, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu kết nối giữa các bộ phận chức năng.
“Theo tôi, phần lớn người dân sẽ đồng thuận với chủ trương chung, bởi ai cũng mong muốn được hưởng các dịch vụ công tốt hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn”, chị Linh nói.
Trong khi đó, anh Hữu Thanh (phường Ngọc Lâm, Hà Nội) cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thể tránh khỏi những xáo trộn ban đầu. Một số người dân lo ngại về việc thay đổi địa chỉ giấy tờ tùy thân, hoặc việc tiếp cận các cơ quan hành chính sau sáp nhập sẽ gặp khó khăn.
“Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp phải có kế hoạch cụ thể, truyền thông rõ ràng, hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ tận tình để người dân yên tâm, không bị lúng túng trong quá trình chuyển đổi”, anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, khi bộ máy được tinh gọn, cán bộ chuyên sâu hơn, chính sách được triển khai đồng bộ hơn, người dân sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Việc sắp xếp phường, xã ở Hà Nội là một quyết sách lớn, có tác động sâu rộng đến đời sống hàng triệu người dân Thủ đô, cần được triển khai với sự đồng thuận, trách nhiệm và tầm nhìn dài hạn.
“Khi bài toán hành chính được giải quyết hợp lý, đó cũng là lúc Hà Nội có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ, văn minh, xứng đáng với vị thế là trái tim của cả nước”, anh Thanh chia sẻ.
Theo phương án sắp xếp về số lượng xã, phường mà các quận, huyện đang hỏi ý kiến nhân dân, dự kiến quận Ba Đình sẽ có 3 phường; quận Đống Đa có 5 phường; quận Hai Bà Trưng có 3 phường; quận Hoàng Mai có 7 phường; quận Cầu Giấy có 3 phường; quận Long Biên có 4 phường; quận Tây Hồ có 2 phường lớn; quận Hà Đông có 5 phường... Với cấp huyện, dự kiến huyện Mỹ Đức sẽ có 4 xã; huyện Mê Linh cũng sẽ chỉ còn 4 xã...
Thanh Bình