Hà Nội sẽ đưa buýt mini chạy trong vành 1 khi cấm xe máy xăng

Hà Nội sẽ đưa buýt mini chạy trong vành 1 khi cấm xe máy xăng
6 giờ trướcBài gốc
Ô nhiễm môi trường từ phát thải xe máy
Tại Tọa đàm "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh" diễn ra sáng nay do báo điện tử Dân trí tổ chức diễn ra sáng nay 18/7, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Mô tô, xe máy chiếm 95% lượng phương tiện xe cơ giới.
Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông.
Theo ông Long, các kết quả phân tích khoa học cho thấy, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm.
Do vậy, việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông.
Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.
Chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động, trong đó phát thải từ phương tiện được nhận định là nguyên nhân hàng đầu
Trong bối cảnh ấy, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đánh giá, Chỉ thị 20 của Thủ tướng mang tính cấp bách, kịp thời, cấp thiết.
Tiếp thu Chỉ thị 20 của Thủ tướng, TP Hà Nội đã có văn bản giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chủ trì để cùng với các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp.
Dự thảo kế hoạch này đã cơ bản đầy đủ và đang trong quá trình xin ý kiến tham gia của các Sở ngành liên quan, dự kiến sở sẽ trình thành phố trước ngày 25/7.
"Chúng tôi tin rằng với những chính sách của Nhà nước và của doanh nghiệp… sẽ tạo nên động lực và sức đẩy để thành phố hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng giao là từ ngày 1/7/2026 trong khu vực Vành đai 1 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông", ông Quân bày tỏ.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi xe điện, tăng độ phủ xe buýt
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, để triển khai việc này, Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm.
Đến thời điểm này, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và có tác động rất lớn, liên quan đến nhiều thành phần, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Hà Nội đang nghiên cứu sẽ áp dụng xe buýt mini vận hành trong Vành đai 1
"Chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế chính sách để triển khai thực hiện theo Điều 28 của Luật Thủ đô, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Với chính sách này sẽ tập trung vào các cơ chế hỗ trợ qua nhiều hình thức: trực tiếp bằng tiền hay gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh. Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng thì sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh, nhằm giải quyết vấn đề lo ngại về trạm sạc. Cái này chúng tôi đặt lên hàng đầu vì muốn phát triển giao thông xanh thì đáp ứng về hạ tầng rất quan trọng", ông Long thông tin.
Trên cơ sở yêu cầu đặt ra, thời gian tới, Hà Nội sẽ có giải pháp về vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân để người dân hạn chế sử dụng xe máy. Việc kết nối các phương tiện và các loại hình vận tải cũng đang được tính toán.
Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính- Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, để tăng độ phủ của xe buýt trong khu vực Vành đai 1, Sở Xây dựng đang nghiên cứu loại hình xe buýt mini từ 8-10-12 chỗ để tăng độ tiếp cận đến người dân. Hướng tới mục tiêu vận tải khách công cộng sẽ phục vụ tốt hơn, tăng tỷ lệ phủ và người dân sẽ chuyển dần từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng.
Cũng theo ông Thành, theo tinh thần chỉ đạo của TP Hà Nội, Sở Xây dựng khẩn cấp triển khai ngay các điều kiện cần thiết để từ 1/7/2026 chính thức cấm toàn bộ phương tiện xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch di chuyển trong phạm vi Vành đai 1.
Ngân Tuyền
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/ha-noi-se-dua-buyt-mini-chay-trong-vanh-1-khi-cam-xe-may-xang-post617909.antd