Hà Nội tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân

Hà Nội tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân
2 giờ trướcBài gốc
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết KNTC
Hà Nội hiện còn nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo là do đặc thù là Thủ đô của cả nước, địa giới hành chính rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội tăng nhanh dẫn đến đơn thư liên quan đến các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng...
Người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, đơn vị đã chủ động việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để phát sinh thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, đối i thoại trực tiếp với dân và xử t lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, qua đó kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này.
TP. Hà Nội luôn xác định công tác giải quyết KNTC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được tăng cường, đẩy mạnh.
Đến nay, theo UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 47 vụ việc KNTC theo Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 04.7.2017 "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội" và Chỉ thị số 15-CT/TU thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi.
Trong đó, có 9 vụ việc khiếu nại đông người phức tạp kéo dài đang tập trung giải quyết, 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo các đơn vị đề xuất Ban Chỉ đạo Thành phố chuyển về Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị ủy tiếp tục theo dõi và 26 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đông người, phức tạp diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc giải quyết.
Những vụ việc này chủ yếu tập trung tại các địa bàn các quận, huyện: Mê Linh, Thanh Trì, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Hoàng Mai, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và thị xã Sơn Tây.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND thành phố (Ban Tiếp công dân thành phố), Thanh tra thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thành phố đến các cấp quận, huyện, thị xã. Đảm bảo việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và chỉ đạo giải quyết KNTC được đồng bộ, kịp thời và chính xác.
Về phía Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Thành ủy về công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Thường xuyên tổ chức Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời khiếu kiện đông người.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo thước đo năng lực công tác
Để tiếp tục giải quyết thấu đáo kiến nghị, phản ánh của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa yêu cầu các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố
Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch, giải quyết KNTC theo thẩm quyền thuộc phạm vi, đơn vị, cấp mình quản lý; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian và chất lượng.
UBND TP. Hà Nội đề nghị thủ trưởng các đơn vị lấy hiệu quả của công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác. Ảnh: HNM
UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị lấy hiệu quả của công tác giải quyết các vụ việc KNTC, tiếp công dân làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác.
Ngoài ra, Thủ trưởng các đơn vị phải chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân. Chủ động đối thoại, vận động thuyết phục, giải quyết khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu tăng cường công tác nắm bắt, dự báo tình hình tại các khu vực đang triển khai các dự án trọng điểm như: đường Vành đai 4, đường Vành đai 1, các dự án xây dựng đường giao thông khác, các dự án liên quan đến môi trường, xử lý rác thải, và xây dựng nghĩa trang…
Từ đó, chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan, kịp thời phát hiện và báo cáo các vấn đề phát sinh để có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và lợi ích của người dân tại các khu vực dự án.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tham gia tiếp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, đảm bảo các quyết định đưa ra phải đúng quy định pháp luật, hợp lý và hợp tình, tạo niềm tin trong nhân dân.
Thành phố cũng yêu cầu tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết KNTC; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý, theo dõi, quản lý KNTC trực tuyến, kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị.
Văn Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ha-noi-tang-cuong-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-va-tiep-cong-dan-post391850.html