UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 23/4/2025 về phân tích kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024. Theo đó, Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố đạt 92,75%, tăng 2,99% so với năm 2023 và tiếp tục xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước, giữ nguyên thứ hạng nhưng cải thiện rõ rệt về chất lượng.
UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả các thủ tục hành chính, đặc biệt là các nhóm có tần suất giao dịch cao để đề xuất phương án phân cấp, phân quyền phù hợp.
Các lĩnh vực được đặc biệt lưu ý gồm: tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh & xã hội, bảo hiểm, thuế… Việc này nhằm tinh giản quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, giảm tải cho cấp thành phố và nâng cao tính chủ động cho cấp cơ sở.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội năm 2024 đạt 86,5%, tăng 2,93% và giữ vững vị trí thứ 3 toàn quốc trong 3 năm liên tiếp. Chỉ số SIPAS ( đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp) đạt 8,65/10 điểm, tăng 0,28% so với năm trước, vượt 4,38% so với mức trung bình cả nước.
Ảnh minh họa
UBND Thành phố khẳng định công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là 3 trụ cột trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Thành phố đã xây dựng 28 mô hình điểm chuyển đổi số, đăng ký thí điểm nhiều nhiệm vụ trọng tâm và đạt tỷ lệ nhập liệu cao tới 96,03%. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành thí điểm, thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo Nghị quyết số 108/NQ-CP.
Việc tự đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Thành phố được triển khai nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Theo đó, 7 cơ quan được giao nhiệm vụ (trong đó có Văn phòng UBND TP, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp…) đã tham mưu, chấm điểm, báo cáo và cập nhật dữ liệu kịp thời lên Hệ thống phần mềm của Bộ.
Công tác điều tra xã hội học được tổ chức bài bản, đạt tỷ lệ 100% với 858/858 phiếu khảo sát được hoàn thành đúng tiến độ. Đối tượng khảo sát bao gồm lãnh đạo các cấp, đại biểu HĐND, lãnh đạo sở ngành và quận huyện.
Trong các chỉ số thành phần, điểm thẩm định của Thành phố đạt 95,54%, xếp thứ 2/6 thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm điều tra xã hội học đạt 86,95%, phản ánh sự cải thiện về chất lượng phục vụ người dân.
Năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội phát động cuộc thi cải cách hành chính cấp thành phố và ra mắt giao diện chuyên trang cải cách hành chính Hà Nội, cùng phần mềm “Công dân Thủ đô số - iHaNoi” trên nền tảng smartphone. Đây là những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cải cách.
Hà Nội cũng hoàn tất sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền kèm quy trình cụ thể, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Dù có nhiều kết quả tích cực, Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại: thứ hạng chưa cải thiện so với năm 2023; một số tiêu chí vẫn bị trừ điểm như tiến độ giải ngân đầu tư công, chấp hành kỷ luật công vụ, dịch vụ công trực tuyến chưa đồng bộ, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp...
Nguyên nhân chính là do thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực như Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa… nên phải xây dựng mới từ thực tế, gây chậm trễ. Ngoài ra, nguồn lực cho cải cách và chuyển đổi số tại một số cơ sở vẫn còn hạn chế.
Để duy trì đà tiến bộ và cải thiện các chỉ số còn yếu, UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, gắn với chủ đề năm 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó, nhấn mạnh đến đổi mới tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ, tăng cường tương tác trực tuyến với người dân.
Thành phố cũng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ các kế hoạch cải cách hành chính năm 2025, tiếp tục khảo sát sự hài lòng qua môi trường số, đẩy mạnh triển khai Luật Thủ đô mới, tăng tính chủ động trong xây dựng định mức dịch vụ công.
Linh Nguyễn