Sáng 9-7, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, đại biểu Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, quan tâm đến vấn đề về quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể là việc khai thác diện tích tầng một tại các khu nhà tái định cư để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Vì sao để lãng phí 13.000 m2 nhà tái định cư?
Bà Nga cho hay, HĐND TP đã nhiều lần giám sát, chất vấn về việc chậm đưa vào khai thác khoảng 13.000 m2 diện tích tầng một có thể sử dụng để kinh doanh tại các nhà tái định cư. Trong báo cáo mới nhất của UBND TP vẫn nêu rõ các đơn vị được giao quản lý nhà chưa hoàn tất thủ tục bàn giao tài sản, nên chưa đủ điều kiện đấu giá, cho thuê diện tích này.
Đại biểu Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội.
Theo đó, đại biểu Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trả lời rõ vì sao quá trình bàn giao tài sản lại kéo dài, gây chậm trễ trong việc khai thác nguồn lực này.
"Cụ thể, vướng mắc nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Thành phố sẽ có giải pháp nào để sớm đưa số diện tích trên vào khai thác, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, tránh lãng phí tài sản công?", bà Nga nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có hai loại tài sản kể trên gồm: Các nhà chuyên dùng — đang thực hiện bàn giao tài sản theo quy định tại Nghị định 108 và 13.000 m² tầng một tại các tòa nhà tái định cư — không phải nhà chuyên dùng, đã được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, khai thác.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Lưu, với 13.000 m², không cần thực hiện quy trình bàn giao tài sản như nhà chuyên dùng. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong năm 2022–2024, thành phố đã đưa 10.000 m² ra đấu giá nhưng chỉ cho thuê thành công khoảng 1.000 m², tức 10%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh hiện nay không còn cao.
Trước tình hình đó, từ tháng 1-2025, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng lại phương án giá thuê, cập nhật mặt bằng giá mới. Các sở, ngành, công ty quản lý nhà đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục tổ chức đấu giá phần diện tích còn lại trong tháng 7 và tháng 8-2025.
“Tuy nhiên, nếu tiếp tục đấu giá mà vẫn không đạt hiệu quả như kỳ vọng, thành phố sẽ xem xét phương án chuyển sang hình thức cho thuê theo chuỗi, chỉ định nhà thầu phù hợp, đảm bảo khai thác hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Lưu nói.
Sớm đưa vào đấu giá, khai thác
Bổ sung thêm nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, tại thời điểm giám sát năm 2022, thành phố có khoảng 13.000 m² sàn thương mại dịch vụ tại hơn 180 tòa nhà tái định cư. Trong tổng diện tích 13.000 m², hiện có khoảng 4.000 m² đang được sử dụng làm sinh hoạt cộng đồng, phần còn lại đang rà soát để tiếp tục đưa ra đấu giá từ tháng 7, 8 năm nay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng.
Đến năm 2023–2024, như báo cáo của Sở Tài chính đã nêu, 10.000 m² đã được tổ chức đấu giá nhưng chỉ cho thuê được 1.000 m². Giá thuê bình quân dao động từ 150.000 đến 500.000 đồng/m². Trường hợp không đấu giá thành công, thành phố sẽ chuyển hướng sang cơ chế chỉ định, ưu tiên các doanh nghiệp có nhu cầu thuê diện tích theo chuỗi, đảm bảo khai thác đồng bộ, tránh bỏ trống.
Tranh luận lại tại hội trường, đại biểu Hồ Vân Nga cho rằng, trong phần trả lời, Giám đốc Sở Tài chính nói rằng với 13.000 m² tầng một thì không cần bàn giao tài sản mới được tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, trong báo cáo UBND TP gửi đại biểu, lại có nội dung khẳng định nguyên nhân chậm đấu giá là do chưa được bàn giao tài sản.
“Như vậy, đề nghị Giám đốc Sở Tài chính kiểm tra, rà soát lại nội dung báo cáo gửi đại biểu để đảm bảo tính chính xác, thống nhất thông tin. Nếu đúng như ông nói là tháng 7 đến 8-2025 sẽ giải quyết được vấn đề này, tôi xin ghi nhận và sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi sát sao tiến độ thực hiện”, đại biểu Hồ Vân Nga nói.
Về phần tranh luận này, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Giám đốc Sở Tài chính trả lời bằng văn bản.
Trọng Phú