Theo đó, để triển khai có hiệu quả điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường vào một ngày giao dịch cố định trong tháng trên địa bàn TP; đồng thời, nhằm tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, gần dân, sát dân, đồng hành, hỗ trợ, phục vụ tốt cho các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách và nhân dân, đảm bảo triển khai tín dụng chính sách xã hội thông suốt, hiệu quả, phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND TP yêu cầu UBND các xã, phường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Rà soát, bố trí điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường phù hợp: Đảm bảo mỗi xã/phường có 1 điểm giao dịch chính tại trụ sở UBND mới thành lập. các điểm còn lại bố trí ở thôn, khu dân cư, thuận tiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (trụ sở UBND xã, phường, thị trấn cũ hoặc nhà văn hóa thôn...). Phối hợp với công an xã, tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương đảm bảo an toàn tiền, tài sản Nhà nước tại các điểm giao dịch vào một ngày giao dịch cố định trong tháng.
Bố trí vị trí biển hiệu và bảng công khai thông tin. Lắp đặt biển hiệu Ngân hàng Chính sách Xã hội, bảng thông tin tín dụng chính sách tại các điểm giao dịch để: Người dân dễ nhận diện, nắm thông tin. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Ngoài ra, phân công lãnh đạo UBND xã, phường phụ trách tín dụng chính sách xác nhận hồ sơ vay vốn, hỗ trợ người dân kịp thời. Tham dự cuộc họp giao ban vào cuối phiên giao dịch tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, phường mới để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý các nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Hồng Thái