Dự án Bệnh viện Xây dựng tại phường Hoàng Liệt (nay là Bệnh viện Đại học Y Dược) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ gần 20 năm trước, dự án trên vốn kỳ vọng trở thành một trong những bệnh viện quan trọng tại khu vực phía Nam Hà Nội, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Thanh Nhàn...
Toàn cảnh dự án Bệnh viện Xây dựng nay là Bệnh viện Đại học Y Dược. Ảnh: Ngọc Tân
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện triển khai thì dự án trên vẫn chưa thể đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của người dân theo tiến độ đề ra.
Cổng chính của Bệnh viện Đại học Y Dược giáp với phố Linh Đường phường Hoàng Liệt, Tp.Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân
Dự án bệnh viện gần 20 năm chưa về đích
Theo tìm hiểu, năm 2007, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây Bệnh viện Xây dựng (mới) tại phường Hoàng Liệt (Hà Nội) với quy mô 500 giường bệnh, nguồn vốn dự án là từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện dự án theo dự kiến đến năm 2014.
Bảng thông tin công trình dự án. Ảnh: Ngọc Tân
Đến tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký quyết định số 967 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm Khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Xây dựng tại khu đất tại phường Hoàng Liệt.
Sau nhiều năm thực hiện dự án đã phần nào hoàn thiện các hạng mục chính. Ảnh: Ngọc Tân
Chủ đầu tư dự án là Bệnh viện Xây dựng, tư vấn quản lý dự án là Công ty CP Tư vấn Công nghệ thiết bị và Kiểm đỉnh xây dựng - Coninco. Tư vấn và thiết kế giám sát là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC). Tổng thầu dự án là Công ty CP Đầu tư và Thương mại quốc tế Huy Hoàng (HUYHOANGIT). Đây là dự án nhóm B, công trình dân dụng cấp II với tổng vốn đầu tư gần 541 tỷ đồng.
Phía khuôn viên dự án vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Ngọc Tân
Theo công bố của chủ đầu tư, dự án được khởi công tháng 01/2022, hoàn thành vào tháng 12 năm 2023. Diện tích khu đất thực hiện dự án là 26.622 m2, diện tích xây dựng là 4.110m2, tổng diện tích sàn là 29.990m2. Quy quy mô xây dựng tòa nhà có diện tích sử dụng với 7 tầng nổi và 1 tầng hầm với 250 giường. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin hiện dự án trên vẫn còn ngổn ngang chưa thể đưa vào hoạt động.
Ngày 17/5/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức tiếp nhận nguyên trạng bệnh viện Xây dựng, tổ chức lại thành bệnh viện Đại học Y Dược, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân
Bệnh viện "đổi chủ" vẫn ngổn ngang
Ngày 9/11/2022, Chính phủ có Quyết định số 1376/QĐ-TTg chuyển Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 17/5/2023 Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức tiếp nhận nguyên trạng bệnh viện Xây dựng, tổ chức lại thành bệnh viện Đại học Y Dược, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Bùi Ngọc Minh, Giám đốc bệnh viện Xây dựng, sẽ giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược. Ông Nguyễn Văn Dũng, ông Đặng Xuân Long, Phó giám đốc bệnh viện Xây dựng, giữ chức vụ Phó giám đốc bệnh viện đại học Y Dược.
Một số người dân cho biết tưởng chừng sau khi tiếp nhận Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ là cơ sở nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo thực hành, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Y - Sinh - Dược học và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho sinh viên Trường Đại học Y Dược. Thế nhưng đến nay công trình này vẫn chưa thể đi vào hoạt động khiến họ cảm thấy xót cho ngân sách nhà nước.
Theo quan sát của PV, một số trang thiết bị đã được trang bị cho Bệnh viện Đại học Y Dược. Ảnh: Ngọc Tân
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tiến Sơn sinh sống tại khu đô thị Linh Đàm cho biết: Anh và một số người dân rất mong công trình sớm đi vào hoạt động phục vụ người dân, mỗi khi thể dục qua đây nhìn cảnh tượng cửa đóng cửa im lìm, bên trong dự án vẫn còn một số hạng mục ngổn ngang anh cảm thấy "tiếc nuối" cho sự chậm trễ này. Trong khi đó ,phường Hoàng Liệt là nơi có mật độ dân cư cao nhất Tp. Hà Nội, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhưng số cơ sở y tế công lập lại hạn chế, việc đưa Bệnh viện Đại học Y Dược vào vận hành là điều cấp thiết. Để làm được việc đó theo anh Sơn các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ việc chậm trễ đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án.
Một dự án bệnh viện kéo dài gần 20 năm, đến nay không rõ ngày về đích, không chỉ là sự lãng phí lớn về ngân sách, đất đai, cơ sở vật chất, mà còn cho thấy lỗ hổng trong công tác giám sát, quản lý tiến độ các dự án công. Người dân đề nghị sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ các nút thắt và vai trò cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và 5 bị can liên quan đến sai phạm tại dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức. Vụ án này được khởi tố dựa trên kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm có tính hệ thống trong quá trình triển khai hai dự án y tế trọng điểm này, gây thiệt hại và lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Trước đó 2 dự án trên đã "đắp chiếu" nhiều năm khiến dư luận bức xức.
Vũ Ngọc Tân
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ha-noi-du-an-benh-vien-cua-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-dap-chieu-nhieu-nam-2042507161712338.htm