Hà Nội triển khai kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030

Hà Nội triển khai kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030
8 giờ trướcBài gốc
Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và theo đúng tinh thần của kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Với đặc thù là một đô thị lớn, mật độ dân cư cao, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại Hà Nội là rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát thải khí nhà kính, nhất là khí mê-tan từ quá trình xử lý chất thải rắn không hiệu quả. Do vậy, giảm phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải không chỉ góp phần quan trọng vào mục tiêu khí hậu, mà còn trực tiếp cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân Thủ đô.
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 131/KH-UBND nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030.
Kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy chuẩn kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ nền tảng. Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các UBND cấp huyện, xã tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, đồng thời cùng Sở Khoa học và Công nghệ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý trong giai đoạn từ 2025 đến 2030.
Cùng với đó, từ năm 2026 đến 2030, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải sẽ được triển khai mạnh mẽ. Các cơ sở xử lý chất thải, doanh nghiệp liên quan, cùng với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp và công nghệ cao sẽ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như nâng cấp hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ phân loại, thu gom, lưu giữ, tái chế và xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của từng khu vực dân cư, nông thôn và đô thị. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải rắn và nước thải cũng sẽ được ưu tiên, hướng tới mô hình quản lý chất thải thông minh, bền vững và ít phát thải.
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình truyền thông, vận động sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, cũng như các tổ chức quốc tế nhằm thu hút nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất sáng kiến mới trong giảm phát thải khí nhà kính từ quản lý chất thải.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao làm cơ quan thường trực, đầu mối hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời, sở sẽ thực hiện điều tra, cập nhật thường xuyên số liệu về phát sinh và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, triển khai phân loại chất thải tại nguồn ở hộ gia đình, ứng dụng công nghệ số trong giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp vào hệ thống quản lý môi trường quốc gia. Ngoài ra, các mô hình thí điểm về giảm phát thải khí mê-tan trong xử lý chất thải cũng sẽ được triển khai để làm cơ sở nhân rộng trong tương lai.
Việc triển khai kế hoạch số 131/KH-UBND không chỉ là một bước đi cụ thể hóa chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, mà còn là minh chứng cho cam kết trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong phát triển đô thị xanh, hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, để kế hoạch đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thay đổi thói quen, nhận thức về phân loại, xử lý rác không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là yếu tố quyết định thành công của hành trình giảm phát thải và bảo vệ môi trường sống lâu dài.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên khâu xử lý rác thải. Việc phân loại đúng cách giúp tối ưu hóa quy trình tái chế và xử lý, qua đó tận dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực trạng phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn nhiều bất cập.
Trao đổi với PetroTimes, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết, việc phân loại rác tại nguồn sẽ thúc đẩy quá trình tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác sẽ có thể áp dụng công nghệ phù hợp hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Việc này còn giúp tiết kiệm diện tích chôn lấp, giảm chi phí xử lý rác từ ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Hà Nội đứng thứ hai cả nước, sau TP HCM về lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày với hơn 7.000 tấn. Từ ngày 1/1/2025, người dân Hà Nội bắt đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Theo quy định, rác sinh hoạt hàng ngày sẽ được chia thành 4 loại. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, việc phân loại rác vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Người dân vẫn bỏ chung tất cả các loại rác để thu gom và xử lý, dẫn đến hiệu quả phân loại chưa đạt yêu cầu.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ha-noi-trien-khai-ke-hoach-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-linh-vuc-quan-ly-chat-thai-den-nam-2030-727455.html