Hà Nội: Tỷ lệ hài lòng của người bệnh tiếp tục tăng

Hà Nội: Tỷ lệ hài lòng của người bệnh tiếp tục tăng
3 giờ trướcBài gốc
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hỗ trợ người dân lấy phiếu khám bệnh tự động tại cây tiếp đón thông minh. Ảnh: Nhã Khanh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong quý IV/2024 đã thực hiện khảo sát tại 86 bệnh viện (42 bệnh viện công và 44 bệnh viện ngoài công lập), cho thấy mức độ hài lòng chung của người bệnh là 97,11%, tăng 1,41% so với quý III. Trong đó, khối bệnh viện công lập đạt tỷ lệ hài lòng là 95,83%, tăng 0,53%, và khối bệnh viện ngoài công lập đạt 98,83%, tăng 2,63%. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực thực hiện khảo sát sự hài lòng, không hài lòng của người bệnh và người dân khi đến khám, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ tại đơn vị.
Các ý kiến đóng góp của người bệnh cần được tiếp thu và sử dụng kết quả khảo sát để đánh giá, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường sự hài lòng của người dân và bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố kết quả khảo sát tỷ lệ hài lòng của người bệnh quý III/2024, với tỷ lệ hài lòng đối với khối bệnh viện là 95,7% và 96,6% đối với khối trung tâm y tế. Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của các bệnh viện trên cả nước nói chung và bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi rõ rệt, được nhân dân công nhận, ủng hộ.
Đơn cử, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Y tế Hà Nội xác định để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như tăng hài lòng người bệnh là ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Ở thời điểm hiện tại, ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy cơ sở y tế này đã số hóa các quy trình khám, chữa bệnh như khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử VNeID; khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học; Ki-ốt tự phục vụ; thực hiện nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh; tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID… Bệnh viện triển khai đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt: qua POS, mã QRcode, ví điện tử, bảo hiểm bảo lãnh.
Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện hiện tại đạt khoảng 80% tổng số thanh toán, giúp giảm thiểu các thủ tục khi thanh toán, tiết kiệm thời gian cho người bệnh mà vẫn đảm bảo thanh toán đúng, đủ, chính xác.
Đánh giá kết quả của triển khai mô hình Ki-ốt tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy, số bước thực hiện quy trình tiếp đón giảm từ 6 bước xuống còn 2 bước so với trước khi triển khai mô hình và thời gian người bệnh chờ để được vào phòng khám từ 5-15 phút giảm còn chưa đến 1 phút.
Đối với Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tại khu vực tiếp đón và đăng ký khám bệnh, bệnh viện đã hoàn thiện quy trình lấy phiếu khám bệnh tự động, kiện toàn tổ tư vấn khám bệnh, triển khai lắp đặt thêm cây tiếp đón thông minh phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện và giảm tình trạng ùn ứ cục bộ thời gian đầu giờ khám bệnh. Quá trình thực hiện toàn bộ các xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong suốt thời gian qua, bệnh viện đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn trong ứng dụng chuyển đổi số. Đơn cử như vấn đề đặt lịch hẹn khám, hiện nay, bệnh nhân được chủ động đặt lịch hẹn khám bệnh qua Tổng đài đặt lịch hẹn của bệnh viện, chủ động chọn chuyên khoa khám, giờ khám. Thông tin lịch hẹn được cập nhật đến cửa tiếp đón, khi đến bệnh viện theo lịch hẹn, người bệnh chỉ cần vào gặp bác sĩ để được khám bệnh. Đối với người bệnh mắc bệnh mạn tính, 100% người bệnh được đặt lịch hẹn khám lần sau, bác sĩ có thể chủ động phân bổ lịch hẹn cho người bệnh từ trước một tháng.
Đặc biệt, quy trình cấp phát thuốc thông minh được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cải tiến mạnh mẽ. Tình trạng bệnh nhân chờ đợi xếp số tại quầy phát thuốc được bệnh viện xóa bỏ hoàn toàn. Thay vào đó thông tin về khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc cho bệnh nhân được tích hợp trong một phiếu khám bệnh. Quá trình chuẩn bị thuốc và phát thuốc thuận tiện, thời gian chờ lĩnh thuốc từ khoảng 12 phút xuống còn hơn 1 phút/đơn, giảm sai sót, giảm quá tải, giúp việc chuẩn bị thuốc có thể bắt đầu ngay sau khi có đơn thuốc từ phòng khám.
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội nhận định, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. “Đích đến của cải tiến chất lượng bệnh viện là sự hài lòng của người bệnh, do đó lãnh đạo các bệnh viện cần triển khai liên tục, kết hợp phân tích, đánh giá hiệu quả thường xuyên để xác định các vấn đề cần tập trung cải tiến chất lượng bệnh viện”- ông Hưng nói.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ha-noi-ty-le-hai-long-cua-nguoi-benh-tiep-tuc-tang-10298208.html