Chiều 15/7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô". Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định, những chỉ đạo trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của Thủ tướng là hết sức cấp bách, tổng thể và toàn diện, với những nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Cục Môi trường đang tham mưu cho lãnh đạo bộ để xây dựng triển khai ngay trong tuần tới.
Liên quan đến việc triển khai chỉ thị này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách, báo cáo Thành ủy, thông qua Hội đồng Nhân dân Thành phố để thiết lập một cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi các phương tiện xe xăng, dầu sang xe điện trên một nguyên tắc đảm bảo hài hòa. Trên nền tảng các số liệu, thành phố sẽ tổng hợp, rà soát thống kê chi tiết cho khoảng 450.000 xe máy trong Vành đai 1.
Ngoài ra, thành phố cũng thiết lập các cơ chế chính sách bổ trợ. Ví dụ: thu đổi các xe xăng, dầu chuyển sang xe điện. Đơn cử như đăng ký đối với xe mới, bao gồm lệ phí trước bạ đăng ký, các vấn đề liên quan... sẽ hỗ trợ gần như 100%; đồng thời đưa ra những mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng của chủng loại xe.
"Mục tiêu là đảm bảo cho nhân dân sống trong Vành đai 1 và đúng với các đối tượng được tổng hợp, thống kê chi tiết để có sự chuyển hóa hết sức phù hợp, được hỗ trợ tối đa để triển khai các nội dung này," ông Dương Đức Tuấn cho hay.
Nhằm hỗ trợ người dân, ông Dương Đức Tuấn thông tin, thành phố sẽ tăng cường những chủng loại xe buýt điện quy mô khoảng 8-12 chỗ để tạo ra mạng lưới các phương tiện hỗ trợ; nghiên cứu những mô hình vận tải điện khoảng 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực Vành đai 1, đồng thời đáp ứng việc các loại phương tiện khác ngoài Vành đai 1 khi vào trong Vành đai 1 sẽ hòa theo một màng lưới trong vành đai này.
“Ngoài Vành đai 1, theo từng bước thời gian, thành phố sẽ chuyển hóa hệ thống này và đồng hành với nó phải là các phương tiện vận tải công cộng được gia tăng không chỉ là xe buýt, xe buýt nhanh, hệ thống taxi, hệ thống trung chuyển đa phương thức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà thành phố còn tập trung phát triển về đường sắt đô thị - một phương tiện hết sức hiện đại và sạch, xanh chạy điện," Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội thông tin thêm.
Theo ông Tuấn, Hà Nội hiện đã có một số tuyến đường sắt đô thị đi vào nội đô Vành đai 1, như: tuyến Cát Linh-Hà Đông; tuyến Nhổn-Ga Hà Nội, thời gian tới phát triển tuyến Hồ Tây-Hòa Lạc, Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo... và ga Hà Nội-Hoàng Mai để tạo ra một mạng lưới đường sắt.
Thời gian tới, thành phố sẽ bổ sung các khu vực để phát triển, tạo lập được các trạm sạc dành cho xe máy, ôtô và trù bị cho khả năng với nguồn nguyên liệu sạch khác (như khí hydrogen), nhằm đảm bảo điều kiện phát triển về quy hoạch, đáp ứng quy chuẩn tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ.
Ông nhấn mạnh, trước mắt, với phần chuyển đổi xe máy, thành phố sẽ có một giải pháp về quy hoạch, sau đó triển khai phần hạ tầng đối với tất cả các khu vực gắn vào giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe để thiết lập các khu vực trạm sạc, đồng thời kiểm soát các khu vực trạm sạc nằm trong các tòa nhà và phát triển những khu trạm sạc an toàn, phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn ở khu vực ngoài tòa nhà.
Ngọc Diễm