Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, ngày 12-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có nội dung yêu cầu Hà Nội lên phương án loại bỏ xe máy chạy xăng (nhiên liệu hóa thạch) trong Vành đai 1 kể từ năm 2026.
Dự kiến xe máy chạy xăng sẽ không được chạy trong Vành đai 1 Hà Nội kể từ tháng 7-2026
Cụ thể, về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong Chỉ thị số 20, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội.
Hà Nội: Lộ trình loại bỏ xe máy chạy xăng
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30-9-2025).
TP Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III-2025 và điều chỉnh hằng năm).
Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện theo lộ trình:
Đến ngày 1-7-2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1;
Từ ngày 1-1-2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2;
Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Hà Nội cũng được Thủ tướng yêu cầu xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách và có lộ trình cụ thể đến năm 2028 di dời các cơ sở sản xuất phát thải gây ô nhiễm ra khu sản xuất tập trung theo quy hoạch để bảo đảm xử lý nguồn thải theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định về tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải; xử lý nghiêm các khu đô thị chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (Thực hiện từ Quý IV-2025).
Triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (thực hiện từ quý IV/2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo).
Các tuyến đường vành đai của Hà Nội
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5) với tổng chiều dài 285,46 km
Trong đó, tuyến vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km.
Tuyến Vành đai 2 có lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - phố Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy, với tổng chiều dài 39 km.
Tuyến Vành đai 3 theo quy hoạch dài 68 km, đến thời điểm này đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì - Linh Đàm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng đến cầu Thăng Long, với tổng chiều dài 54 km, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội.
Văn Duẩn