Tất bật thi công
TPHCM sẽ sáp nhập cùng tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu; hay tỉnh Đồng Nai sáp nhập với Bình Phước, tỉnh tây Ninh sáp nhập với Long An… Về thực tế, các địa phương này đang có vị trí địa lý liền kề và đã có sẵn một số hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, khi chính thức sáp nhập, hạ tầng kết nối cần nhiều hơn nữa để thuận tiện đi lại, làm việc. Trong đó, với vị trí trung tâm ở phía Nam, TPHCM hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương khác. Trong đó tỉnh Bình Dương, nơi có ranh giới dài với TPHCM sẽ có thêm dự án hạ tầng khác.
Hiện nay, 2 địa phương có kết nối thông qua quốc lộ 13, 1A, 1K cùng hàng loạt cầu bắc qua sông Sài Gòn nối TP Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An… Với đường ranh dài chừng 70km, chủ yếu men theo sông Sài Gòn, việc kết nối hạ tầng của 2 địa phương dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ từ nay tới cuối năm tới. Trong đó có 2 tuyến đường cao tốc kết nối trực tiếp gồm cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một -Chơn Thành vừa khởi công tháng 1/2025, đường Vành đai 3 TPHCM dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị (metro) từ Suối Tiên đi Thủ Dầu Một dài 32,5km cũng có vai trò rất quan trọng để kết nối các trụng tâm thuộc 2 địa phương này.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành, trục đường quan trọng kết nối TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu vừa đưa vào khai thác. Ảnh: Đ.Xá
Trong khi đó, dù chưa có đường bộ kết nối trực tiếp nhưng hạ tầng TPHCM với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tất bật thi công, với nhiều dự án quan trọng cấp Quốc gia. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện không giáp ranh với địa bàn TPHCM trên bộ. Tuyến đường bộ chủ yếu kết nối 2 địa phương là Quốc lộ 51 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian tới, đường kết nối TPHCM với Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Trong đó có thêm tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (song song với Quốc lộ 51), cầu Nhơn Trạch 3 và đặc biệt là cao tốc Bến Lức- Long Thành dài gần 55km. Dù thực tế các dự án hạ tầng trên vẫn chưa kết nối trực tiếp TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu (phải thông qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) nhưng chắc chắn, từ cuối năm 2025 tới năm 2026, thời gian di chuyển từ TPHCM tới Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được rút ngắn rất nhiều, thậm chí rút ngắn một nửa so với hiện tại. Ngoài ra cũng không thể không nhắc tới tuyến đường thủy kết nối trực tiếp TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện có tuyến đường tàu cao tốc đã khai thác nhiều năm từ quận 1 đi TP Vũng Tàu và tuyến phà biển (chở được ô tô) từ huyện Cần Giờ đi TP Vũng Tàu cũng là lựa chọn của nhiều người dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển. Có thể nói, với tiến độ các dự án như hiện nay, cuối năm 2026, mạng lưới hạ tầng đường bộ với chủ lực là đường cao tốc sẽ kết nối sâu rộng các địa phương TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điểm nhấn là Vành đai 4 TPHCM
Tương tự, cũng nằm trong kế hoạch sáp nhập, các dự án hạ tầng giao thông ở tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh cũng tất bật lên kế hoạch triển khai. Trong đó tuyến đường bộ cao tốc nối trực tiếp từ huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đi tỉnh Tây Ninh vừa thông xe kỹ thuật, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025 này giúp kết nối 2 địa phương. Đây là đoạn cao tốc phía Tây (còn gọi là đường Hồ Chí Minh) đầu tiên ở khu vực phía Nam, dài 72km với vai trò rất quan trọng dọc biên giới. Ngoài ra, tuyến cao tốc TPHCM đi Mộc Bài chuẩn bị khởi công cũng là trục đường bộ quan trọng kết nối Tây Ninh và Long An bởi cao tốc này sẽ nối trực tiếp vào đường Vành đai 3 TPHCM (đi qua Long An).
Vai trò quan trọng nhất trong nhóm các dự án hạ tầng phía Nam ít năm tới chính là đường Vành đai 4 TPHCM. Sau gần 10 năm ấp ủ, dự án đường Vành đai 4 TPHCM đi qua 5 tỉnh, thành gồm TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu dài hơn 200km đã chuẩn bị khởi công gói thầu xây dựng đầu tiên. Theo ông Bùi Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngày 31/5 tới, địa phương này sẽ khởi công dự án thành phần thuộc Vành đai 4 với chiều dài 47,85km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỉ đồng, quy mô đường cao tốc loại A. Sau tỉnh Bình Dương, các địa phương còn lại gồm Long An (có 78,3km), TPHCM (có 16,7km), Đồng Nai (46km) và Bà Rịa Vũng Tàu (18km) cũng sẽ thực hiện độc lập xây dựng dự án này. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ được khép kín vào cuối năm 2028.
Có thể nói, thời gian tới khi chính thức sáp nhập các địa phương, hạ tầng giao thông dự kiến sẽ được tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với những công trình đã và đang triển khai, dự báo mạng lưới giao thông sắp tới rất đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu cho việc di chuyển, làm việc nhanh chóng giữa các địa phương phía Nam.
Đoàn Xá