Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, tăng trưởng GRDP 6 tháng trên địa bàn Hà Tĩnh đạt 8,16%. Kết quả này đưa Hà Tĩnh vào nhóm 26 tỉnh, thành phố đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng so với kế hoạch Chính phủ giao. Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương (Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hà Nam và TP. Huế) duy trì đà tăng trưởng dương ở cả 4 khu vực kinh tế chủ chốt: Công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.
Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,79%, đóng góp 0,37 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,39%, đóng góp 4,18 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,93% đóng góp 2,88 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,14%, đóng góp 0,73 điểm %.
Theo phân tích cụ thể, trong khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp đóng vai trò đầu tàu, là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đạt 8,52%, đóng góp 2,64 điểm % vào mức tăng chung của Hà Tĩnh.
Các ngành mũi nhọn như: khai khoáng, sản xuất năng lượng, sản xuất sợi, packpin, cellpin ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung. Riêng ngành xây dựng tăng 16,62%, đóng góp 1,54 điểm phần trăm. Nguyên nhân lĩnh vực xây dựng tăng trưởng tốt là nhờ trên địa bàn, tỉnh nhiều công trình, dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ thi công.
6 tháng qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 10.200 tỷ đồng, bằng 57% so với dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, hoàn thành 68% dự toán và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, số thu ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 39% so với dự toán, bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái...
Bên cạnh đó, nhờ triển khai nhiều giải pháp đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Hà Tĩnh tiếp tục ghi dấu ấn trên bản đồ thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã cấp phép 18 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 16.500 tỷ đồng và 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 13 triệu USD.
Theo dự báo 6 tháng cuối năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Hà Tĩnh xác định rõ mục tiêu, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%. Tuy còn một số ý kiến thận trọng về khả năng hiện thực hóa mục tiêu này, song kết quả tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm đã mang lại tín hiệu tích cực, tiếp thêm động lực để Hà Tĩnh bứt phá trong nửa cuối năm 2025.
Nhằm giữ vững đà tăng trưởng, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp hỗ trợ, năng lượng sạch. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào quý III/2025…
Trong nông nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh tập trung mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để kích cầu du lịch và thương mại, Hà Tĩnh dự kiến tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Những giải pháp này không chỉ giúp tăng cường nội lực mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nội dung trình Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh giữa năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục rà soát, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, từng quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhằm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Nguyệt Hà