Ông Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, việc sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung cao độ, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương.
Theo ông Dũng, trong quá trình sắp xếp, cái khó nhất là sắp xếp đội ngũ cán bộ, vì nó tác động rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, kể cả người đứng đầu. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương cần phải tuyên truyền cho cán bộ đảng viên nhận thức cao về chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trên tinh thần đó, đến thời điểm này, một số cán bộ đảng viên đã tự nguyện đăng ký xin nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc. Điển hình nhất là ông Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hai cán bộ này đã cống hiến thời gian dài cho sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ảnh: T.T
Quá trình công tác, hai vị lãnh đạo này luôn nêu gương mọi lúc mọi nơi và đến nay đã nhận thức được rằng, việc nghỉ hưu trước tuổi tác động rất lớn đến sắp xếp cán bộ công chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Từ đó, ông Võ Hồng Hải đã đăng ký nghỉ hưu ngay trước kỳ đại hội, còn ông Lê Ngọc Châu tuy thời gian công tác còn dài nhưng cũng tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi.
Theo ông Dũng, đây là việc hết sức ý nghĩa, tác động rất lớn, lan tỏa, nêu gương người đứng đầu trong việc sắp xếp theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong sắp xếp cán bộ.
"Đến nay, ngoài hai cán bộ này, một số Tỉnh ủy viên đứng đầu một số sở, ngành, một số địa phương cũng đã đăng ký nghỉ. Một số cán bộ công chức trong hệ thống cũng đăng ký xin nghỉ hưu", ông Dũng cho hay.
Tiếp tục tinh giản, người đứng đầu phải nêu gương
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động vì số lượng công chức, viên chức sau sắp xếp dôi dư nhiều. Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo tỉnh đang giao UBND tỉnh xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức.
Trên cơ sở đó, yêu cầu các địa phương đánh giá xếp loại công chức, viên chức. Sau đó sẽ phân loại được cán bộ nào còn năng lực, uy tín thì giữ lại, tuyên truyền làm việc hiệu quả. Những cán bộ đang còn thời gian công tác không dài, năng lực, sức khỏe hạn chế thì vận động nghỉ.
Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng cho rằng, trong vận động vẫn theo phương châm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải nêu gương trước mới hiệu quả.
"Ngoài ra, tuyên truyền qua các kênh thông tin để các cán bộ đảng viên nhận thức rõ được việc nghỉ hưu trước tuổi vừa là trách nhiệm chung, vừa là trách nhiệm cá nhân", ông Dũng nói.
Ông Dũng lưu ý thêm, không phải cán bộ nào xin nghỉ thì tổ chức cũng đồng ý cho nghỉ việc.
"Trên cơ sở các cán bộ tự nguyện xin nghỉ, sẽ rà soát, sàng lọc với tinh thần dân chủ, vừa ghi nhận quá trình công tác vừa đánh giá cán bộ, chứ không phải cán bộ nào xin nghỉ đều đồng ý. Việc làm này cần hết sức thận trọng", ông Dũng nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trong việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về thủ trưởng các ngành, các địa phương, phải nhìn nhận khách quan. Nếu không khéo, cứ có cán bộ không bằng lòng về công việc hoặc lý do nào đó xin nghỉ mà đồng ý ngay thì nguy cơ sẽ thiếu hụt cán bộ trong thời gian tới.
Thiện Lương