Ảnh minh họa
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp Lâm Hợp tại xã Kỳ Lạc (xã Lâm Hợp, địa bàn huyện Kỳ Anh cũ) với tổng diện tích hơn 30 ha.
Cùng với quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (địa chỉ tại tỉnh Gia Lai) làm nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Lâm Hợp.
Mục tiêu của dự án là xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được phê duyệt, tiến tới kinh doanh, khai thác hạ tầng và cung cấp các dịch vụ trong cụm công nghiệp.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 284 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 57 tỷ đồng và phần còn lại là vốn vay, huy động từ các nguồn hợp pháp khác với tổng số tiền 227 tỷ đồng.
Dự án có thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày được giao đất hoặc thuê đất. Theo kế hoạch, toàn bộ hạng mục xây dựng sẽ được hoàn thiện và đưa vào vận hành sau 39 tháng kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đánh giá từ Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh, việc thành lập và thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Lâm Hợp là bước đi cụ thể trong thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương giai đoạn 2021–2030.
Cụm công nghiệp này hứa hẹn sẽ tạo thêm không gian phát triển cho các ngành chế biến và sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp nền tảng, đồng thời tạo việc làm, thu hút lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổng cộng 22 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 580 ha. Trong số này, đã có 19 cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Đáng chú ý, 12 cụm công nghiệp được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước và do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo phân cấp tại Nghị định số 139/2025/NĐ-CP ngày 4 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ. Mười cụm công nghiệp còn lại được đầu tư hạ tầng bởi các doanh nghiệp.
Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng cụm công nghiệp như tại Lâm Hợp đang là xu hướng được khuyến khích tại Hà Tĩnh, nhằm đa dạng hóa mô hình đầu tư, giảm áp lực cho ngân sách địa phương và tăng hiệu quả sử dụng đất công nghiệp.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyễn Thuấn