Hai bài tập thở loại bỏ độc tố giúp cơ thể khỏe đẹp

Hai bài tập thở loại bỏ độc tố giúp cơ thể khỏe đẹp
4 giờ trướcBài gốc
1. Bài tập thở Kapalbhati Pranayama (hơi thở lửa)
Tác dụng của hơi thở lửa
Bài tập thở Kapalbhati Pranayama là một phép thở nhanh, sử dụng cơ bụng để thở ra mạnh và chủ động, còn khi hít vào sẽ chậm và thụ động. Khi thực hiện đúng kỹ thuật, Kapalbhati Pranayama mang lại các lợi ích:
- Thanh lọc đường hô hấp: Hơi thở lửa được cho là hoạt động như một "máy hút bụi" tự nhiên trong cơ thể, giúp loại bỏ các độc tố, chất nhầy và các tác nhân gây hại tích tụ trong đường hô hấp. Nhờ đó, phổi được làm sạch và cải thiện chức năng hô hấp.
- Tăng cường tuần hoàn: Với nhịp thở sâu, mạnh mẽ và nhịp nhàng, hơi thở lửa kích thích tăng cường tuần hoàn máu. Từ đó giúp máu lưu thông tốt hơn, các tế bào được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất, tăng cường trao đổi chất, loại bỏ các chất thải. Nhờ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện làn da hồng hào, tươi trẻ...
Động tác thở Kapalbhati Pranayama.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Hơi thở lửa còn kích thích các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, gan... hoạt động tốt hơn, giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi, ngăn ngừa các vấn đề như đầy bụng, khó tiêu và táo bón.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Do tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp oxy và loại bỏ độc tố, hơi thở lửa giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và chống nhiễm trùng hiệu quả hơn.
- Đốt cháy mỡ thừa: Với tác dụng tăng cường trao đổi chất, hơi thở lửa là một bài tập giúp đốt cháy năng lượng dư thừa. Đặc biệt, với các động tác thở tác động mạnh lên vùng bụng sẽ làm săn chắc cơ bụng, giúp cơ thể thon gọn hơn.
- Nâng cao tinh thần: Khi thực hiện bài tập thở này đòi hỏi tăng cường sự tập trung. Cùng với tăng cường tuần hoàn giúp lưu lượng máu và oxy đến não tốt hơn sẽ giúp cơ thể minh mẫn hơn, đồng thời giúp giải phóng năng lượng tích tụ, tăng cường sự tỉnh táo và tạo cảm giác sảng khoái, tích cực.
- Giảm căng thẳng: Kỹ thuật thở Kapalbhati Pranayama kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp giảm căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và mang lại cảm giác thư thái, bình yên.
Mặc dù hơi thở lửa mang lại nhiều lợi ích, nhưng là một kỹ thuật thở mạnh mẽ nên cần thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Không phải tất cả mọi người đều có thể thực hiện được bài tập thở này.
Những người có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh mạn tính, bài tập hơi thở lửa là một phương pháp tuyệt vời để thanh lọc cơ thể, tăng cường năng lượng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo đó, những người khỏe mạnh nên thực hiện bài tập thở này với các mục tiêu:
Giảm cân.
Cải thiện tiêu hóa.
Tăng cường sự tập trung.
Giảm stress...
Các trường hợp không nên thực hiện bài tập hơi thở lửa
- Phụ nữ mang thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt: Do bài tập này có thể gây áp lực lên vùng bụng, ảnh hưởng đến thai nhi hoặc gây ra các vấn đề kinh nguyệt.
- Người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp: Kỹ thuật thở này có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, nên không phù hợp với những người có vấn đề về tim mạch.
- Người bị hen suyễn hoặc các bệnh về đường hô hấp: Kỹ thuật thở mạnh có thể gây kích ứng đường hô hấp dẫn đến khó thở ở những người mắc các bệnh này.
- Người bị động kinh: Kapalabhati có thể kích thích hệ thần kinh và gây ra các cơn động kinh ở những người có tiền sử bệnh động kinh.
- Người đang bị chấn thương vùng bụng, đau đầu hoặc cảm lạnh.
- Người mới bắt đầu tập thở, chưa thực sự luyện tập yoga một cách bài bản.
Cách thực hiện bài tập hơi thở lửa
- Tư thế: Chọn một tư thế ngồi thoải mái, vững vàng trên thảm tập hoặc ghế, đảm bảo lưng thẳng và vai thả lỏng. Có thể ngồi xếp bằng hoặc tư thế kiết già hoặc ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt chắc chắn trên sàn.
Nhắm mắt hoặc tập trung nhìn vào một điểm cố định trước mặt, thả lỏng cơ mặt, cổ và vai. Đặt hai tay lên đùi hoặc đầu gối, lòng bàn tay hướng lên trên.
- Kỹ thuật thở:
+ Từ từ hít vào một cách tự nhiên và nhẹ nhàng bằng mũi. Bụng phình ra theo hơi khi hít vào.
+ Thở ra, co mạnh cơ bụng dưới, đẩy không khí ra ngoài một cách nhanh chóng và mạnh mẽ qua mũi. Khi thở ra, bụng hóp lại và nghe thấy âm thanh "hắt" phát ra từ mũi.
Lưu ý cần tập trung vào động tác thở ra. Động tác hít vào sẽ tự động diễn ra sau mỗi lần thở ra. Không cần cố gắng hít vào mà hãy để nó diễn ra một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.
Hít thở khoảng 20 lần để hoàn thành một phiên tập Kapalabhati, sau đó nghỉ ngơi và nếu muốn có thể tập thêm 1-2 phiên nữa.
2. Bài tập thở Nauli (chuyển động cơ bụng)
Kỹ thuật thở Nauli tập trung vào việc làm sạch cơ thể qua các chuyển động cơ bụng độc đáo và điều hòa hơi thở. Phương pháp này yêu cầu người tập phải kiểm soát được hơi thở và tạo ra các chuyển động sóng trong vùng bụng để kích thích, thanh lọc cơ thể. Do đó bài tập thở này giúp loại bỏ độc tố, mang lại cảm giác thư giãn, cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức mạnh cơ bụng.
Động tác thở Nauli.
Khi tập thở Nauli đúng kỹ thuật, sẽ mang lại các lợi ích:
Tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bụng.
Massage và thanh lọc các cơ quan tiêu hóa; hạn chế táo bón, đầy hơi, chướng bụng, ngăn ngừa bệnh trĩ.
Loại bỏ độc tố và cải thiện hệ miễn dịch.
Tăng cường sự tập trung và thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng.
Điều hòa cơ thể, kích thích tuyến nội tiết, giúp cân bằng các hormone.
Hỗ trợ nhịp tim và huyết áp ổn định hiệu quả.
Giúp mang lại cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, săn chắc và eo thon.
Nhược điểm của bài tập thở Nauli:
Là bài tập khó, đòi hỏi kỹ thuật chính xác và tập trung khi tập luyện, do đó không dành cho mọi đối tượng, đặc biệt với những phụ nữ đang mang thai, người tăng huyết áp hoặc có vấn đề về tim mạch thì tuyệt đối không sử dụng kỹ thuật thở này.
Khi thực hiện phải có chuyên gia hướng dẫn trực tiếp. Nếu tự thực hiện mà sai cách có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Việc luyện tập Nauli đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ thuật thở chính xác. Người mới bắt đầu cần thực hiện từng bước một để làm quen với kỹ thuật này.
Cách thực hiện bài tập thở Nauli cơ bản
- Chuẩn bị: Thực hiện bài tập này khi dạ dày trống và cơ thể cần được khởi động nhẹ nhàng.
- Thực hiện thở: Đứng thẳng, hai bàn chân đặt vững lên sàn nhà. Hít sâu và thở ra hết, sau đó khom lưng, dùng tay ấn vào đùi để rút bụng. Giữ hơi thở và kéo cơ bụng vào trong, tạo chuyển động sóng.
- Kết thúc: Thả lỏng cơ thể và hít thở trở lại.
Lặp lại quá trình từ 5-10 lần tùy theo khả năng của mỗi người.
Minh Châu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hai-bai-tap-tho-loai-bo-doc-to-giup-co-the-khoe-dep-169250115170848742.htm