Trong năm 2024, khu vực doanh nghiệp đang phục hồi, thế nhưng tốc độ còn yếu, điều này thể hiện rõ khi tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng.
Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong năm 2024, Việt Nam có một số điểm sáng trong bức tranh đăng ký doanh nghiệp.
Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có những tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong năm 2024, khu vực doanh nghiệp đang phục hồi, thế nhưng tốc độ còn yếu. (Ảnh: BQP)
Thứ hai, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức 70 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm.
Thứ ba, các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn so với năm trước: số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.
“Đây là một trong những dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp đã có trải nghiệm, thích nghi trong nền kinh tế, khi bỏ vốn kinh doanh đồng nghĩa với việc đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh”, bà Hương nói.
Dù vậy, bức tranh doanh nghiệp năm 2024 vẫn có một số điểm đáng lưu tâm. Đơn cử, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp có dấu hiệu suy giảm sau nhiều biến động tiêu cực.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023. Trong 02 tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
“Khó khăn của doanh nghiệp đến từ việc giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhiều cá nhân không lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên những nền tảng số, sàn thương mại điện tử để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận”, bà Hương cho biết.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, phần nào cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.
Sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Ngoài ra, các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024.
“Có thể thấy những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI đã góp phần khẳng định khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, ngành sản xuất đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để cấp phép các dự án cũ.
“Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng được ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng mong muốn thông tin về các dự án, gói thầu xây dựng được công khai, minh bạch hơn nữa”, bà Hương nói
Thứ hai, năng lực nội tại của nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia đấu thầu các dự án lớn. Vì vậy, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng rất mong muốn được tạo điều kiện để tham gia các hạng mục xây dựng nhỏ tại địa phương, nhất là những dự án từ nguồn ngân sách địa phương quản lý.
Thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn được cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Hướng dẫn chi tiết, phản hồi nhanh các hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp đã nộp để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, hoàn tất thủ tục nhanh chóng để triển khai công việc kịp thời và hiệu quả.
Việt Vũ