Hai dòng sông và một khát vọng

Hai dòng sông và một khát vọng
10 giờ trướcBài gốc
Một dòng sông trên đất Quảng Bình là giới tuyến giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài xuyên thế kỷ, chia cắt một đất nước của Trịnh - Nguyễn phân tranh. Và giữa thế kỷ XX, một dòng sông Quảng Trị với vĩ tuyến 17 băng ngang bị chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời nhưng đã trở thành biểu tượng đầy máu và nước mắt của sự chia đôi đất nước. Những người sống bên những dòng sông đó sẽ là những người thấm thía nhất về nỗi đau cách trở phân ly và chính họ cũng là những người hiểu trọn vẹn nhất về sự đoàn viên, gắn bó.
Trong ý nghĩa ấy, cuộc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để thành một Quảng Trị mới hôm nay chính là cuộc đoàn viên lịch sử của hai vùng đất từng chung nỗi niềm nếm trải sự cách chia. Vì thế, hơn ai hết, những người dân nơi đây chắc chắn thấu hiểu giá trị của hòa hợp và đoàn kết.
Sau tất cả những câu chuyện về cơ hội và vận hội, về tương lai rộng mở, về kỷ nguyên vươn mình khi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập để hình thành một chỉnh thể hành chính rộng dài mang tên “Quảng Trị” sẽ là câu chuyện đoàn kết, chuyện kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật để đưa vùng đất này thoát khỏi những ám ảnh truyền kiếp.
Những ai đã sống trong giai đoạn sáp nhập ba tỉnh Bình Trị Thiên từ năm 1976 đến 1989 hẳn chưa quên câu ca dao truyền khẩu “Quê em ở giữa hai đèo/Ấm no thỉnh thoảng, đói nghèo thường xuyên”. Đèo Ngang ở ranh giới phía Bắc và đèo Hải Vân ở phía Nam của dải đất Bình Trị Thiên thuở ấy còn được nói lái hài hước hơn: Đèo Ngang là “đang nghèo” và đèo Hải Vân nói lái theo giọng Huế là “hẫng vai”. Một phía “đang nghèo”, một phía “hẫng vai”, nhưng sau mấy chục năm bền chí vươn lên, dải đất giữa hai đèo nay đã khác. Huế đã là thành phố trực thuộc trung ương và Quảng Bình, Quảng Trị đang hứa hẹn là một cực phát triển mới của miền Trung đất nước.
Những bài học của thời Bình Trị Thiên cần được nhìn lại để trở thành kinh nghiệm cho hôm nay mà những cán bộ lão thành của giai đoạn ấy chắc chưa hề quên. Bởi thế, câu chuyện sáp nhập hôm nay, không riêng gì của Quảng Trị, không chỉ là quyết định về mở rộng địa giới hành chính hay tạo ra những động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội cho những tỉnh mới, câu chuyện quan trọng nhất phải là tạo được sức mạnh từ tinh thần đoàn kết, biến sức mạnh đoàn kết thành động lực dẫn dắt sự phát triển.
“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, câu ca dao xưa vẫn vẹn nguyên tính thời sự của những tháng ngày này. Quảng Trị mới sẽ có một vị thế chiến lược mạnh hơn, một nguồn lực tích hợp lớn hơn, một cơ hội để khơi dậy sức mạnh từ đồng bằng - miền núi, biên giới - hải đảo, quá khứ - tương lai. Nhưng trên hết, Quảng Trị mới phải là biểu tượng của sự hòa hợp, của tinh thần và khát vọng về miền đất từng thấm thía nỗi đau chia cắt, trở thành minh chứng cho sự gắn bó bền chặt.
Để làm được điều đó không chỉ là việc quy hoạch lại địa giới, cơ cấu bộ máy mà là việc nối lại những sợi dây cộng cảm về văn hóa, về con người, về khát vọng phát triển. Phải làm sao để mỗi người dân hôm nay luôn thấy được mình là một phần của chỉnh thể mới, có tiếng nói, có cơ hội và có tương lai trong ngôi nhà chung vừa được xây xong. Và để Quảng Trị mới như một vùng kinh tế động lực, hành động như một trung tâm liên kết thì trước hết con người phải được liên kết, tinh thần đoàn kết phải là nền tảng xuyên suốt mọi chính sách. Xin nhắc lại thêm một lần nữa, rằng, trong lịch sử chúng ta từng nếm trải sự cách chia nhưng lịch sử cũng để lại cho hôm nay bài học lớn về hòa hợp và đoàn kết.
An Du
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/hai-dong-song-va-mot-khat-vong-195540.htm