Bà Nguyễn Thị Bốn ở thôn Cống Khê, xã Kim Liên (Kim Thành) chọn cấy lúa TBR 225 và lúa nếp vì năng suất, chất lượng cao
Quy hoạch vùng
Gia đình bà Nguyễn Thị Bốn ở thôn Cống Khê, xã Kim Liên (Kim Thành) cấy 1 mẫu ruộng. Hằng năm, vụ xuân bà Bốn cấy toàn bộ giống lúa TBR 225, vụ mùa cấy lúa nếp. Theo bà Bốn, cấy 1 giống lúa trên diện tích rộng mang lại nhiều lợi ích bởi có thể thăm đồng, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch cùng lúc. Việc này tiết kiệm thời gian, công sức trong khi cả 2 giống lúa cho năng suất cao, bán được giá. "Tôi đã cấy thử nghiệm mấy giống lúa nhưng giống TBR 225 cho năng suất cao còn thóc nếp thì mấy năm nay bán được giá", bà Bốn nói.
Xã Kim Liên hiện có trên 300 ha đất nông nghiệp. Xã quy hoạch gần 200 ha để canh tác lúa năng suất, chất lượng cao ở 5 thôn (trừ thôn Cổ Phục Bắc và Lương Xá Bắc do đất đã dành cho phát triển công nghiệp). Để nâng cao hiệu quả từ trồng lúa, UBND xã Kim Liên khuyến khích người dân tập trung vào 2 giống là TBR 225 và lúa nếp.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, vụ xuân năm 2024, lúa TBR 225 đạt năng suất gần 74 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình của huyện 6 tạ/ha. Đối với giống nếp, tùy từng loại, năng suất từ 45 - 47 tạ/ha. Dù năng suất lúa nếp không cao những giá bán từ 15.000 - 18.000 đồng/kg thóc tươi, cao gần gấp đôi so với lúa tẻ nên được nông dân cấy trong vụ mùa.
Xã Kim Liên (Kim Thành) đã quy hoạch gần 200 ha lúa năng suất, chất lượng cao trong tổng số trên 300 ha đất nông nghiệp của địa phương
An Thanh được quy hoạch 5 vùng lúa năng suất, chất lượng cao diện tích trên 445 ha, nhiều nhất huyện Tứ Kỳ. Sở dĩ địa phương được quy hoạch diện tích trồng lúa lớn như vậy là do khu vực này có nhiều ưu thế hơn những vùng khác. Để có rươi, cáy, người dân không được dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất độc hại nên lúa ở đây được canh tác theo phương pháp hữu cơ, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá trị cây lúa của An Thanh đạt cao khi địa phương đã sản xuất được gạo ST 25 với giá bán trên 60.000 đồng/kg, là loại gạo có giá bán cao nhất tại Hải Dương tại thời điểm này.
Bảo vệ "bờ xôi, ruộng mật"
Hải Dương là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng. Để phục vụ công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, diện tích đất nông nghiệp từ năm 2020 - 2024 của Hải Dương đã giảm 1.678 ha, từ 105.313 ha xuống còn 103.635 ha. Trong đó, đất lúa giảm trên 1.536 ha, còn 57.445 ha; đất trồng cây lâu năm giảm gần 126 ha, còn 20.382 ha; rừng sản xuất giảm gần 13 ha, còn 2.923 ha…
Thực hiện Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương thống kê các vùng lúa năng suất, chất lượng cao để có biện pháp bảo vệ. UBND tỉnh đã phê duyệt vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2025 - 2030 với diện tích 8.984,51 ha. Trong đó, Kim Thành có diện tích lớn nhất với 2.190 ha, Tứ Kỳ gần 1.400 ha, Ninh Giang 860 ha…
Bản đồ quy hoạch vùng lúa năng suất, chất lượng cao huyện Tứ Kỳ
Tại các vùng đã được quy hoạch, UBND tỉnh yêu cầu không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông để thuận tiện cho việc trồng, thu hoạch lúa của nông dân.
Việc quy hoạch vùng lúa năng suất, chất lượng cao là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ những "bờ xôi, ruộng mật" nên đều được cơ quan chuyên môn, địa phương đồng tình, ủng hộ. Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết theo quy định, người dân và các địa phương không được tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Đây quy định quan trọng bởi những năm qua, ngày càng nhiều diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang xây dựng hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư. Nếu không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích này sẽ mất đi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an toàn lương thực của người dân.
Để bảo vệ vùng lúa năng suất, chất lượng, thời gian qua, huyện Kim Thành đã hỗ trợ giống, phân bón, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân ở những vùng này.
Huyện Tứ Kỳ chú trọng đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Thời gian qua, huyện cùng các cấp, các ngành đã đầu tư kinh phí, xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu cơ bản bảo đảm phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp. Đường giao thông ra đồng cũng được trải bê tông, tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa. Huyện đã xây dựng, cải tạo cống Sồi, An Lao 3 (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung)... góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
Việc quy hoạch vùng lúa năng suất, chất lượng cao góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Trong ảnh: Cấy lúa bằng máy ở xã An Phượng (Thanh Hà)
Với vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền, người dân địa phương ở những vùng được quy hoạch sẽ bảo vệ, giữ gìn những vùng lúa năng suất, chất lượng cao để góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng hiệu quả canh tác.
THANH HÀ