Phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số là chiến lược xuyên suốt, bao trùm, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của Hải Dương.
Đây cũng là một trong ba khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, trong đó nhấn mạnh trọng tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công nghệ thông tin và đô thị thông minh.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tham quan Trung tâm dữ liệu DC của tỉnh Hải Dương
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho biết, Hải Dương đã và đang từng bước phát triển nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thông qua việc triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... Những công nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Đây cũng là các giải pháp ưu việt mang đến hiệu quả thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, vận hành, cung cấp dịch vụ, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các thế mạnh và tiềm lực của địa phương.
“Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng chuẩn bị sáp nhập, hướng tới xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của Hải Dương và Hải Phòng trong việc định hình chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và chuẩn bị các điều kiện để hợp nhất với TP. Hải Phòng, Hải Dương đang tăng tốc thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đang tạo nên diện mạo mới cho hành chính công và kinh tế - xã hội địa phương. Hải Dương là một trong những tỉnh đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, thể hiện rõ qua kết quả thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Một trong những trụ cột quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu. Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hộ tịch, cập nhập hơn 1,4 triệu dữ liệu trên nền dân cư (đạt 73,7%), là một trong 15 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Về lĩnh vực đất đai, đã có trên 334.000 hồ sơ được số hóa và lưu trữ điện tử. Trong lực lượng công an, dữ liệu dân cư luôn được duy trì ở trạng thái “đúng, đủ, sạch, sống” với trên 2,1 triệu thông tin công dân...
Một trong những kết quả nổi bật là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên diện rộng. Tính đến tháng 4/2025, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt gần 88% đối với 25 dịch vụ công thiết yếu. Nổi bật là ngành công an chiếm tỷ lệ vượt trội, đạt 97%. Trong tháng 4/2025, toàn tỉnh thu nhận 13.091 hồ sơ căn cước, 8.389 hồ sơ định danh điện tử, 5.365 tài khoản được kích hoạt. Toàn tỉnh đã thu nhận tổng số hơn 1.717.420 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt gần 1.295.020 tài khoản.
Hải Dương là tỉnh tiên phong thí điểm giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với 2 nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này có giá trị rất lớn trong việc đem lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp.
Bên cạnh đó, Hải Dương cũng đã triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Đây cũng là nơi đồng bộ dữ liệu từ phần mềm quản lý, theo dõi tiến độ công việc và đồng bộ dữ liệu báo cáo sang ứng dụng chỉ đạo, điều hành, được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Thời gian tới cần đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp dữ liệu với các sở, ngành, địa phương để tổng hợp, phân tích giúp cho việc điều hành của lãnh đạo các cấp.
Việc bảo đảm an toàn dữ liệu cần đặc biệt quan tâm. Tỉnh Hải Dương đã triển khai Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC) nhưng phạm vi giám sát chỉ với các thiết bị, ứng dụng DC của tỉnh. Cần mở rộng phạm vi triển khai toàn tỉnh để kịp thời đưa ra cảnh báo ngay khi xuất hiện nguy cơ về cuộc tấn công như có lưu lượng truy cập bất thường, có kết nối trái phép vào máy chủ hay hành vi dò quét trong mạng, qua đó chặn được các cuộc tấn công web, DDoS, APT, bảo đảm an toàn tuyệt đối dữ liệu.
Thành phố Hải Phòng cũng chú trọng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số mạnh, đóng vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến trong nền kinh tế số. Các cơ quan chức năng sẽ xác định các bài toán thực tiễn để đặt hàng doanh nghiệp công nghệ số theo chỉ đạo chuyên ngành, từ đó giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 35% GRDP
Việc xây dựng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) và triển khai đồng bộ các tiện ích số cũng được đẩy mạnh trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Hải Phòng xác định 5 nhóm ngành ưu tiên thúc đẩy kinh tế số, bao gồm: thương mại điện tử, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh và công nghệ thông tin – truyền thông (ICT).
Hải Phòng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 35% GRDP; kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; thương mại điện tử chiếm trên 15% tổng mức bán lẻ. Ngoài ra, thành phố hướng tới đạt tỷ lệ trên 0,7 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân; 85% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; hơn 50% người trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân và 80% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử VNeID. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế hiện đại, bền vững của thành phố Hải Phòng.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng ký kết biên bản ghi nhớ về phương án triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số khi hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương
Tại cuộc làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng thống nhất và ký kết biên bản ghi nhớ về phương án triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số khi hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.
Ngoài 12 hệ thống ứng dụng dùng chung đã được rà soát, đánh giá, hai bên tiếp tục thống nhất phương án đối với hệ thống, hạng mục phát sinh, các tiêu chí để lựa chọn giải pháp công nghệ và xây dựng phương án đồng cấu hình, đồng bộ các hệ thống đảm bảo khi sáp nhập tỉnh sẽ đưa các hệ thống vào hoạt động ngay mà không bị gián đoạn dịch vụ.
Thanh Sơn