Khúc sông Kinh Thầy, đoạn từ ngã ba sông Kinh Thầy - sông Thái Bình đến cầu Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) dài chưa đến 10km nhưng có đến hàng nghìn ô lồng được thiết kế để nuôi trồng thủy sản. Những ô lồng này phủ kín trên mặt nước khiến lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng tới các hoạt động vận tải, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, bờ sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua địa phận các xã Nam Tân, Nam Hưng (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) dày đặc nhà nổi, ô lồng nuôi trồng thủy sản.
Ô lồng được thiết kế bằng khung thép gắn phao nhựa. Dưới nước, các hộ dân thả lưới nuôi thủy sản, còn phần trên nhiều hộ dựng nhà mái tôn.
Ông Trần Minh (người địa phương) cho biết, hàng chục hộ dân dựng cầu sắt làm lối di chuyển từ bờ sông dẫn xuống bè. Trên bè, nhiều hộ thiết kế, dựng nhà mái tôn để ở.
Theo ông Minh, nhiều năm trước, một số hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ trên sông có hiệu quả. Vài năm gần đây, hàng trăm hộ khác ồ ạt đóng bè, thiết kế ô lồng bằng khung thép phủ kín hàng nghìn mét vuông mặt nước. Các ô lồng được dàn hàng ngang ra lòng sông rộng 50-70m, xếp dày đặc cả một khúc sông Kinh Thầy.
Để lồng bè kiên cố hơn, các hộ chằng dây neo từ bè ra giữa sông rồi cắm phao xác định vị trí. Do đó, dọc bờ sông Kinh Môn có hàng nghìn dây chằng kéo ngầm dưới nước từ lồng bè ra giữa sông, tiềm ẩn nguy hiểm cho các phương tiện vận tải, tàu thuyền di chuyển qua. Trong ảnh: Phao nổi xác định vị trí dây neo từ lồng bè nuôi cá ra giữa dòng sông.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều vị trí phao xác định luồng tuyến giao thông thủy trên sông Kinh Thầy có dấu hiệu bị lồng bè che khuất. Thậm chí, nhiều hộ đặt ô lồng nuôi thủy sản vượt ra khỏi các cọc phao tiêu.
Còn anh Phạm Công (40 tuổi) chia sẻ, sông Kinh Thầy có rất nhiều phương tiện vận tải, tàu thuyền lưu. Khu vực sông chảy qua huyện Nam Sách và TP Chí Linh từng xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố giao thông thủy giữa các tàu thuyền với lồng bè nuôi cá.
Theo anh Công, nguyên nhân là do lồng bè nuôi cá quá dày đặc, phủ kín cả một khúc sông, lòng sông bị thu hẹp, nhất là khu vực khúc cua, sông lượn. Vào ban đêm, hàng nghìn lồng bè đồng loạt thắp đèn sáng một khúc sông, khiến lái tàu bị giảm tầm nhìn, khó xác định luồng tuyến di chuyển dẫn đến sự cố.
Mới đây, một sự cố giữa tàu chở hàng va chạm với lồng bè nuôi cá khiến cả tàu và lồng bè nuôi cá bị hư hỏng. Lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở NN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 600 hộ nuôi, với tổng số hơn 8.000 ô lồng, tổng diện tích 970.000m3 (tương đương 40ha mặt nước sông). Riêng huyện Nam Sách hiện có 206 hộ nuôi với 3.719 lồng bè, tập trung phần lớn tại xã Nam Tân, Nam Hưng.
Theo Sở NN&MT Hải Dương, do vướng mắc chưa tích hợp vị trí cụ thể vào quy hoạch của tỉnh, huyện nên ảnh hưởng đến cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng, gây khó khăn cho công tác quản lý lồng bè trên sông.
Ngoài việc hướng dẫn các hộ chấp hành quy định, đảm bảo an toàn đê điều và phòng chống thiên tại, Sở đã chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động nuôi cá lồng. Đặc biệt là di chuyển, giải tỏa những lồng nuôi vi phạm về giao thông đường thủy nội địa, an toàn đê điều và phòng chống thiên tai, môi trường.
Nguyễn Hoàn