Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao được xác định là động lực quan trọng, đưa Hải Dương trở thành trục kinh tế năng động.
Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Đông. Đến năm 2050, tỉnh sẽ vươn lên thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, tận dụng tối đa vị trí chiến lược và khả năng liên kết vùng.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế tỉnh tăng trung bình 7,6%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước nhưng chỉ đứng thứ 8 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Điều này đặt ra thách thức cho tỉnh trong việc phát huy hết tiềm lực để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên 4 trụ cột chính. Trước tiên, Hải Dương tập trung mở rộng chuỗi giá trị công nghiệp, tận dụng tối đa liên kết vùng để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như điện, điện tử, cơ khí luyện kim. Các sản phẩm công nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, chinh phục các thị trường khắt khe như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Tiếp đó, tỉnh đón đầu các xu hướng công nghiệp trong tương lai với việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn.
Song song với thu hút đầu tư vào sản xuất, Hải Dương cũng đặc biệt chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, đồng thời xây dựng các cơ chế thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp. Đây được xem là yếu tố cốt lõi để tạo nền tảng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Hải Dương cũng xác định rõ phương hướng phát triển cho từng ngành công nghiệp mũi nhọn. Với ngành cơ khí chế tạo, tỉnh tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như kim loại chất lượng cao, động cơ, máy móc công nghiệp, tiến tới sản xuất ô tô điện và robot.
Trong lĩnh vực điện, điện tử, Hải Dương đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết bị điện tử thông minh, sản xuất cảm biến và vi mạch điện tử. Đặc biệt, tỉnh hướng tới thu hút các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cao cấp, từ bo mạch, màn hình đến thiết bị ngoại vi và máy móc công nghiệp, tạo nên hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng không quên nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành truyền thống như dệt may, da giày, và sản xuất vật liệu xây dựng. Những ngành này tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững, tận dụng các cơ hội đầu tư để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với chiến lược bài bản cùng sự đồng lòng của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, Hải Dương đang dần khẳng định vai trò là trục động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Bắc Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ là mục tiêu, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc hiện thực hóa một nền công nghiệp hiện đại, bền vững và giàu tính sáng tạo.
Vũ Phong Cầm