Tại Hội nghị, ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đạt được những thắng lợi nhất định. Doanh nghiệp tận dụng được nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, mang sản phẩm, hàng hóa chạm đến tay người tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra mục tiêu, phấn đấu phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát huy được lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Tại kế hoạch số 1872/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 15 - 16%/năm, tập trung tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 3,0 - 3,5%/năm.
Những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Nam đối với nhóm hàng thủy sản đã từng bước được cải thiện và tăng dần tỷ trọng. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 88 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm, 8 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD. Trong đó tập trung xuất khẩu các mặt hàng: bạch tuộc, bánh nướng nhân thủy sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị,... vào thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan,...
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam.
Đối với việc nuôi trồng thủy sản, diện tích thả nuôi thủy sản khoảng 7.900 ha, ổn định qua các năm, sản lượng thu hoạch khoảng 25.000 - 27.000 tấn/năm, chủ yếu là: tôm, cua, cá dìa, cá bớp, điêu hồng, rô phi... và tập trung ở các huyện, thị xã, Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt khoảng 95.000 - 100.000 tấn. Tính chung sản lượng thủy sản những năm gần đây tăng lên với tỷ lệ trung bình 4,4%, sản lượng khai thác tăng 2,1%, sản lượng nuôi trồng tăng 2,3%.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Quảng Nam cũng còn nhiều khó khăn như quy mô xuất khẩu còn nhỏ; thủy sản xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản chế biến; hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng ngành thủy sản còn thấp; mới có ít doanh nghiệp thủy sản có mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm tôm; doanh nghiệp thủy sản còn thiếu liên kết...
Ông Hường Văn Minh cho hay, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng dần thủy sản nuôi; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy hải sản công nghệ cao, hiện đại; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi trồng thủy sản; tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ để tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA…
“Thông qua tọa đàm, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam mong muốn mang lại thông tin hữu ích cho các đơn vị liên quan trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, xây dựng được hệ sinh thái để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro từ các FTA để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam nhấn mạnh.
Tại chương trình, các đại biểu được cập nhật những vấn đề tồn tại trong ngành thủy sản và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường đối tác FTA (tập trung vào các thị trường CPTPP, EU, Anh); được tiếp cận giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng các FTA gồm đặt vấn đề, nêu ra cách thức, lộ trình xây dựng và lợi ích đem lại từ việc xây dựng, vận hành Hệ sinh thái tận dụng các FTA; cùng trao đổi, góp ý các nội dung xây dựng kế hoạch vận hành Hệ sinh thái tận dụng FTA cho lĩnh vực thủy sản.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức, cơ hội và thuận lợi đối với ngành hàng thủy sản Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Linh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đều phải nắm được 4 yếu tố chính: cạnh tranh (cạnh tranh giá thành, chất lượng, thị phần); biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế); thông tin thị trường và năng lực; nguồn cung (cạnh tranh nguồn cung, hợp tác bền vững). Yếu tố để khu biệt các yếu tố này giữa doanh nghiệp Việt Nam với thế giới là các mối quan hệ quốc tế - chất xúc tác.
Bà Nguyễn Thùy Linh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Trong đó, riêng đối với yếu tố cạnh tranh, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, cùng với đó, Việt Nam cũng là quốc gia có độ mở kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế hàng đầu thế giới với 20 FTA đã, đang đàm phán, thực thi. Việt Nam cũng có lợi thế chi phí nhân công thấp, thủ tục ngày càng thuận lợi. Nhưng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn những khó khăn, thách thức liên quan đến chi phí vận tải, khả năng bảo quản sản phẩm thủy sản Việt Nam còn sơ sài, hạn chế; quy mô nhỏ, năng lực tài chính nhỏ, yếu; nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, chi phí sản xuất còn cao.
Về phía Bộ Công Thương, ông Ngồ Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, Bộ Công Thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng; nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đều hướng đến mục đích chung đó là giải quyết được bài toán nội bộ, để gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA.
Ông Ngồ Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, Bộ Công Thương.
Mục tiêu của hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiệp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hạ Vĩ