Hài hòa lợi ích ở thị trường bất động sản, chuyện dễ hóa khó (Bài cuối): Cần chính sách vĩ mô

Hài hòa lợi ích ở thị trường bất động sản, chuyện dễ hóa khó (Bài cuối): Cần chính sách vĩ mô
7 giờ trướcBài gốc
Thị trường bất động sản khu vực gần Dự án Trung tâm thương mại AEON MALL phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đang diễn ra khá sôi động. Ảnh: Đồng Thành
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Không khó để chỉ ra nguyên nhân của nghịch lý các mặt bằng quy hoạch được đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) thành công ngày càng nhiều và luôn đạt cao hơn giá khởi điểm, nhưng tỷ lệ lấp đầy không cao, hàng nghìn lô đất ở vẫn đang bị bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng), nguyên nhân chủ yếu do là nhu cầu thu ngân sách từ đấu giá QSDĐ rất lớn, trong khi nhu cầu mua đất để làm tài sản tích trữ, sinh lời đang ở mức rất cao trong một bộ phận người dân...
Trong khi đó, những thông tin tích cực từ kinh tế phục hồi, nhiều dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn lại tiếp tục “thổi” giá đất ở các mặt bằng đã trúng đấu giá lên cao. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi nhiều người cho rằng, hàng nghìn lô đất ở của 892 mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt tổ chức đấu giá tới đây - sẽ có giá trúng đấu giá cao hơn so với giá trung bình năm 2024.
Xét trên bình diện kinh tế, giá trúng đấu giá ở các mặt bằng sau thường cao hơn so với giá của mặt bằng trước, hay chuyện mua đi bán lại QSDĐ ở sau trúng đấu giá là rất đỗi bình thường, phù hợp với quy luật thị trường khi mà bất động sản là hàng hóa. Và nhu cầu về nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá QSDĐ để đầu tư trở lại để phát triển cơ sở vật chất hạ tầng cũng là điều chính đáng. Tuy nhiên, tình trạng hàng nghìn lô đất ở đang đi bỏ hoang đã là một lãng phí lớn. Trong khi, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp, công nhân, người lao động vẫn đang khó khăn về đất ở, nhà ở. Đây là một vấn đề xã hội không hề nhỏ, có quan hệ mật thiết về góc độ kinh tế. Và giá đất liên tục tăng cũng khiến nhiều địa phương khó thu hút được tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu để đầu tư xây dựng công trình, dự án.
Khó vẹn cả đôi đường
Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Cao Quý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thiệu Hóa, cho rằng: "Để vừa đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách, vừa hạn chế tình trạng lãng phí đất ở tại các mặt bằng quy hoạch, Nhà nước cần quy định cụ thể về thời gian phải hoàn thành xây dựng nhà ở sau khi lô đất có quyết định trúng đấu giá, làm căn cứ để xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Cách làm này không những đạt 2 mục tiêu trên lại không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản".
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) Nguyễn Mạnh Tuấn, cho rằng: "Trước hết, các địa phương trong tỉnh cần phải thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tăng cường quản lý, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó có nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Thực hiện công khai rộng rãi thông tin về các dự án; công khai minh bạch công tác đấu giá QSDĐ để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực đối với thị trường bất động sản, như tung tin đồn thổi, đầu cơ “thổi” giá lên cao để trục lợi, làm mất cân đối cung - cầu, làm phồng bong bóng bất động sản...".
Cũng phải nhìn nhận rằng, những bất cập, mặt trái của thị trường bất động sản là vấn đề không mới và không riêng ở Thanh Hóa. Để khắc phục tình trạng này, cần có những chính sách vĩ mô, thoát khỏi tầm của một địa phương. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đăng đàn rằng, Chính phủ cần có chính sách thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng tích trữ bất động sản quá lâu gây lãng phí tài nguyên. Không chỉ dừng lại ở ý kiến cá nhân, trong năm 2024, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu và xây dựng quy định áp thuế bất động sản thứ 2.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi mà những người có nhà ở, hoặc lô đất ở thứ hai trở lên thường có thu nhập cao, có khả năng chịu thuế. Trong khi đó, hiện tại Nhà nước cũng đã thực hiện quy định về thuế thu nhập cá nhân, nhằm đảm bảo công bằng và ngăn chặn tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội, cũng như việc tăng nguồn thu cho ngân sách. Và việc áp thuế không nên chỉ dừng lại đối với bất động sản mà còn áp dụng với những tài sản có giá trị cao như tàu, du thuyền...
Trong bối cảnh hiện nay cùng với những mặt trái của thị trường bất động sản, đề xuất liên quan đến việc áp thuế đối với bất động sản thứ 2 trở lên đang được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, áp thuế theo mức độ và phương thức nào để không làm mất đi tính sôi động của thị trường bất động sản lại là câu chuyện dài...
Trong khi chờ đợi những quyết sách vĩ mô, chiến lược thì không chỉ riêng ở Thanh Hóa, mà trong cả nước, đất vàng tiếp tục bị bỏ hoang và nhiều người dân có nhu cầu thực về đất ở chỉ còn cách ngửa mặt mà thở dài.
Đồng Thành
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hai-hoa-loi-ich-o-thi-truong-bat-dong-san-chuyen-de-hoa-kho-bai-cuoi-can-chinh-sach-vi-mo-248422.htm