Hải Phòng giữ vững cực tăng trưởng khu vực phía Bắc với mục tiêu hai con số

Hải Phòng giữ vững cực tăng trưởng khu vực phía Bắc với mục tiêu hai con số
5 giờ trướcBài gốc
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Với mục tiêu GRDP cả năm đạt từ 12,37% trở lên, thành phố đang triển khai loạt giải pháp đột phá nhằm mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics và chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc để giữ vững vị trí là cực tăng trưởng hàng đầu khu vực phía Bắc.
Cơ hội mới cho Hải Phòng
Sự kiện mang dấu mốc lịch sử trọng đại - hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, đã mở ra một cơ hội mới cho Hải Phòng, và cũng chính là thời điểm vàng để thành phố bứt phá, tận dụng những lợi thế sẵn có để phát huy nội lực, hợp tác toàn diện với các lĩnh vực từ hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ đến công nghệ, sáng tạo.
Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu cả nước đồng thời ở 3 chỉ số quan trọng năm 2024: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS). Đây là chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, môi trường đầu tư, năng lực quản trị cũng như sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính của chính quyền địa phương. Những yếu tố này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm và sự sẵn sàng của thành phố để phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Hải Phòng nổi lên như một cực tăng trưởng chiến lược, trung tâm cảng biển quốc tế, công nghiệp, thương mại, logistics hàng đầu miền Bắc. Những năm gần đây, thành phố đạt nhiều thành tựu ấn tượng: Quy mô kinh tế thành phố lớn thứ 3 cả nước, đạt 33 tỷ đô la; GRDP tăng 11,01% năm 2024, dẫn đầu Đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 15%; hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối cảng biển, hàng không, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp vùng và quốc tế...
Ông Nguyễn Văn Biển, phường Lê Thanh Nghị, phía Tây Hải Phòng từng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Hải Dương (cũ) với các khu công nghiệp, dịch vụ giáo dục và nông nghiệp công nghệ cao. Giờ đây, khi hợp nhất với Hải Phòng, thành phố Cảng năng động, hiện đại và có vị thế quốc tế, ông cảm nhận rõ ràng một sự bứt tốc toàn diện đang diễn ra. Không gian phát triển được mở rộng, hạ tầng kết nối ngày càng đồng bộ, và cơ hội việc làm, đầu tư, giáo dục cũng phong phú hơn.
Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty cổ phần U&Me nhìn nhận việc hợp nhất Hải Phòng, Hải Dương là một bước ngoặt chiến lược. Không gian phát triển được mở rộng, chuỗi cung ứng được kết nối chặt chẽ hơn, và đặc biệt là khả năng tiếp cận hệ thống cảng biển quốc tế, sân bay và hạ tầng logistics hiện đại của Hải Phòng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển. Việc hình thành một thành phố có quy mô kinh tế đứng thứ ba cả nước tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút thêm các đối tác lớn, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp tin rằng, với sự đồng hành của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Hải Phòng mới sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - logistics hàng đầu khu vực phía Bắc.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Hải Phòng 2025, diễn ra ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, Hải Phòng là thành phố cảng có lịch sử lâu đời, giữ vai trò tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước và là một trụ cột trong "tam giác phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng", đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ven biển phía Bắc. Trong nhiều năm qua, thành phố không chỉ phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chủ lực như: công nghiệp chế tạo, đóng tàu, logistics, công nghệ, dịch vụ, mà còn vươn lên trở thành một đầu mối thương mại quốc tế, kết nối hiệu quả với các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.
Sản xuất mô tơ điện ở nhà máy của Công ty TNHH điện khí Wolong Việt Nam, khu công nghiệp An Dương, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Không phải là "mục tiêu bất khả thi"
Thành phố Hải Phòng với quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2025 ở mức cao, từ 12,35% trở lên.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương, không chỉ đơn thuần là giao nhiệm vụ, mà là giao trọng trách chính trị, là cơ sở để Trung ương đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu yêu cầu toàn hệ thống chính trị thành phố phải tập trung cao độ, huy động tối đa các nguồn lực, tháo gỡ kịp thời các rào cản, tổ chức thực hiện quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, nhằm bảo đảm hoàn thành bằng được mục tiêu tăng trưởng 12,35%, góp phần giữ vững vai trò đầu tàu phát triển ở phía Bắc của đất nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này, thành phố Hải Phòng tập trung các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 226 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trong tháng 7/2025. Hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng trong quý III/2025; Khu kinh tế chuyên biệt để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2025.
Cùng đó, thành phố tập trung rà soát, lập điều chỉnh các quy hoạch theo quy định. Tổ chức lập Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Quy hoạch thành phố Hải Phòng mới thay thế các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập các quy hoạch cấp dưới trên địa bàn thành phố Hải Phòng sau hợp nhất; hoàn thành trong năm 2025.
Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế tài chính - ngân sách phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, tập trung vào việc phân cấp rõ ràng nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; đồng thời xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách đảm bảo tính công khai, minh bạch, ổn định, hài hòa và bền vững.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, đề xuất cơ chế khoán thu ngân sách cho các địa phương theo đó, giao dự toán thu ngân sách cụ thể cho từng địa phương gắn với tỷ lệ điều tiết hợp lý, khuyến khích chủ động khai thác nguồn thu tại chỗ, tạo động lực nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách và phát triển kinh tế địa phương.
Đồng thời, chủ động làm việc với các nhà đầu tư các khu, cụm công nghiệp, cảng biển mới thành lập, chưa hoạt động để giao tiến độ và trách nhiệm; phấn đấu khởi công trong năm 2025. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất nội ngành, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt với các dự án lớn, liên kết vùng; khẩn trương giải quyết vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ lập và triển khai dự án cao tốc ven biển trên cơ sở nâng cấp tuyến đường bộ tốc độ cao ven biển.
"Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc giải ngân phải gắn kết chặt chẽ với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị. Nếu không hoàn thành giải ngân thì không thể hoàn thành tốt hay xuất sắc nhiệm vụ được; giao Đảng ủy Ủy ban Nhân dân thành phố theo dõi kết quả giải ngân và gửi kết quả về Ban Tổ chức Thành ủy để đề xuất đánh giá, xếp loại cán bộ", Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định.
Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/hai-phong-giu-vung-cuc-tang-truong-khu-vuc-phia-bac-voi-muc-tieu-hai-con-so-20250718172523877.htm