Kế hoạch được ban hành với mục tiêu tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển chung.
Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là lực lượng tiên phong trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và sáng tạo.
Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 40.000 doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 10,44 doanh nghiệp trên 1.000 dân; Hình thành một số doanh nghiệp tư nhân lớn đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực ASEAN và toàn cầu; Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2025–2030 đạt khoảng 13%/năm; Tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh từ khu vực kinh tế tư nhân đạt 58% - 62%; Đóng góp khoảng 35% - 40% tổng thu ngân sách nhà nước; Giải quyết việc làm cho 84% - 85% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 15% - 17%/năm; Thu hẹp đáng kể khoảng cách về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân của tỉnh với nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và trong khu vực.
Tỉnh Thanh Hóa xác định đến năm 2045, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh và bền vững, chủ động tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2045: Có 70.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh; Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 70% GRDP của tỉnh.
Lê Hồng Nam