Đường giao thông thông thoáng trong khu nhà ở xã hội Hoàng Huy New Pruksa Town xã An Đồng, huyện An Dương. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Sáng 6/5 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2024 - đánh dấu 20 năm hành trình liên tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Bảng xếp hạng PCI 2024, Hải Phòng lần đầu tiên đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm.
Đây là minh chứng thuyết phục cho những thành công của Hải Phòng trong nhiều năm qua trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.
Tiếp theo là Quảng Ninh đạt 73,20 điểm, Long An đạt 72,64 điểm, Bắc Giang đạt 71,24 điểm tiếp tục nằm trong Top đầu bảng xếp hạng. Sau đó, Top 10 bảng xếp hạng còn có những địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và đặc biệt là Hưng Yên.
Đối với quán quân bảng xếp hạng là thành phố Hải Phòng, đã phản ánh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Theo đó, nổi trội là đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư.
Nhờ vậy, có tới 7/10 lĩnh vực điều hành của Hải Phòng được các doanh nghiệp ghi nhận cải thiện hơn so với năm 2023, gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Với vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2024 đã thể hiện những đánh giá ở góc nhìn khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư - kinh doanh của Hải Phòng trong thu hút đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn Phó, Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố Hải Phòng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí thứ nhất các tỉnh, thành phố về Chỉ số PCI, sau 7 năm xếp hạng trong Top 10 của cả nước.
Với kết quả này, năm 2024, Hải Phòng vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: Chỉ số PCI năm 2024, Chỉ số Cải cách hành chính 2024 (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.
Trong nhiều năm qua, chỉ số PCI của Hải Phòng được cải thiện đáng kể và liên tục đạt vị trí cao. Địa phương này đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính.
Đặc biệt, giai đoạn 201902023, chỉ số PCI của Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao và giữ vững trong nhóm các địa phương dẫn đầu qua các năm.
Năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Năm 2022 và năm 2023, PCI Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền,” thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, Hải Phòng luôn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Trong năm 2024, 100% thủ tục hành chính được giải quyết tại bộ phận một cửa, công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai trên hệ thống trực tuyến, các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm, triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường xã và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ, 20 năm trước, khi PCI lần đầu tiên được công bố vào năm 2005, không ai có thể hình dung rằng chỉ số này sẽ trở thành một công cụ cải cách hành chính mạnh mẽ, một diễn đàn phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân về những khó khăn, rào cản, cũng như mong muốn của họ đối với chính quyền địa phương.
Một góc thành phố Hải Phòng nhìn từ Cầu Rào. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Từ một sáng kiến nghiên cứu đột phá và mới mẻ của VCCI, PCI đã phát triển thành một hệ thống đánh giá toàn diện, khoa học và có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành thước đo đáng tin cậy về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh.
Hơn thế nữa, PCI đã góp phần trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân nói lên tiếng nói của mình, không chỉ để phản ánh thực trạng mà còn để thúc đẩy cải cách, khuyến khích cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trên tinh thần cầu thị và đổi mới.
PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe, và hành động.
PCI đã đồng hành cùng rất nhiều mô hình cải cách từ chính quyền cấp tỉnh trong suốt thời gian qua như mô hình một cửa trong gia nhập thị trường, trung tâm hành chính công tập trung, cafe doanh nhân, mô hình đánh giá chính quyền cấp sở ngành, quận huyện DDCI…
Những cải thiện đáng ghi nhận về gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chất lượng lao động, thủ tục hành chính… trong suốt 20 năm qua là minh chứng rõ nét cho sức sống và tác động tích cực của PCI.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi đầy khát vọng, khi Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì hai con số trong các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là một công cụ đo lường chất lượng điều hành, mà còn là nền tảng quan trọng của chương trình tăng trưởng kinh tế cao.
PCI đóng vai trò như một radar chính sách, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định về vai trò của kinh tế tư nhân cần trở thành “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng,” Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân thì PCI sẽ tiếp tục trở thành nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá để hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, vươn tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước.
PCI 2024 cũng là lần công bố thứ 20 của VCCI và cũng là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi triển khai quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương, sẽ chính thức được triển khai từ nửa cuối năm 2025.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, đây là thời điểm đặc biệt, khép lại một chu kỳ 20 năm cải cách bền bỉ; đồng thời, mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên phát triển mới – nơi mà hiệu quả điều hành và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng.
Với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương còn 2 cấp và tổ chức lại các sở, ngành của các địa phương, thời gian tới việc cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh sẽ có nhiều cơ hội và thách thức mới.
Qua Báo cáo PCI 2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI phân tích, báo cáo PCI cho thấy bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh với mức điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023.
Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp, điểm số trung vị PCI của cả nước vượt mốc 60 điểm – ngưỡng điểm phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, năm nay, chỉ số Chất lượng điều hành kinh tế - vốn là chỉ số gốc, mang tính cốt lõi của bảng xếp hạng PCI, đạt mức 68,18 điểm - đánh dấu mức cải thiện liên tục kể từ năm 2016 tới nay.
Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp./.
(TTXVN/Vietnam+)