Hải Phòng: Nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống thủy lợi

Hải Phòng: Nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống thủy lợi
2 giờ trướcBài gốc
Một đoạn đê biển thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao năng lực trong phòng chống thiên tai. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 24 tuyến đê; trong đó, có 18 tuyến đê sông và 6 tuyến đê biển với tổng chiều dài 417 km; trong số đó có hơn 60 km đê thuộc diện xung yếu, kém an toàn. Hải Phòng cũng có 393 cống dưới đê; trong đó,có 80 cống kém an toàn và 57 cống sung yếu.
Hải Phòng hiện có 5 hệ thống thủy lợi độc lập trên đất liền và 1 hệ thống thủy lợi trên đảo Cát Hải. Trên địa bàn thành phố có 3.833 tuyến kênh từ cấp 3 trở lên dài hơn 4.000 km và 15.509 các tuyến kênh cấp 3 trở xuống cho đến kênh nội đồng với tổng chiều dài hơn 4.000 km. Ngoài ra, Hải Phòng có 696 trạm bơm điện và 1.296 công trình kênh mương sau trạm bơm điện.
Về cơ bản, hệ thống thủy lợi của thành phố Hải Phòng đã được đầu tư đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng từ năm 1973 đến nay. Tuy nhiên, cơn báo số 3 với cường độ mạnh, lượng nước đo được khoảng 500 mm kết hợp chiều cường cùng lũ lớn thượng nguồn đổ về đã khiến tình trạng ngập úng diễn ra trên diện rộng. Toàn thành phố có khoảng 28.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Sau khi bão đi qua ba ngày, diện tích ngập úng đã cơ bản được tiêu thoát, tránh thiệt hại.
Tuy nhiên, với tình trạng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng, kết hợp với “nhiệm vụ kép”, hệ thống tưới tiêu phải thực hiện thêm chức năng thoát nước cho khu dân cư và khu công nghiệp đang đặt Hải Phòng trước những yêu cầu cần nâng cấp, điều chỉnh phương án, năng lực tiêu thoát nước.
Thực tế cho thấy, hiện một số khu công nghiệp như khu công nghiệp An Dương, Tràng Duệ đang có cao độ cao hơn khu dân cư. Do đó, để tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp trong tình huống như bão, mưa lớn có thể dẫn tới ngập úng cho khu dân cư.
Theo ông Đoàn Văn Ban, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố Hải Phòng, trước thực trạng trên, đối với hai tình huống xâm nhập mặn và bão, áp thấp nhiệt đới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kịch bản tham mưu cho UBND thành phố để nâng cấp, vận hành hệ thống tưới tiêu để thích nghi với những hiện tượng cực đoan này. Theo đó, Sở sẽ đề nghị các công ty quản lý thủy lợi xây dựng việc điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hệ thống thủy lợi đảm bảo thích ứng với các điều kiện nguồn nước hiện nay ngày càng cạn kiệt và tình hình xâm nhập mặn gia tăng và nước nguồn ngày cảng giảm.
Đặc biệt khi các hồ thủy điện giảm thời gian xả nước cho khu vực hạ lưu. Ngoài ra đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tiêu nước cho khu công nghiệp và khu dân cư dẫn đến tăng hệ số tiêu cần phải có các giải pháp điều chỉnh quy trình vận hành của hệ thống đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời. Cùng với đó, phương án cũng sẽ yêu cầu các công ty khai thác thủy lợi phối hợp với các địa phương xây dựng các phương án cắm mốc chỉ giới hành lang khai thác công trình thủy lợi và tổ chức thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang này để quản lý tốt, ngăn chặn tình trạng xâm phạm gây tổn hại công trình.
Cũng theo ông Đoàn Văn Ban, về nhóm giải pháp quản lý công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND thành phố Hải Phòng bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng cải tạo các công trình đầu mối để tăng thời gian lấy nước và chủ động lấy nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Cùng với đó, đầu tư xây dựng các công trình tăng khả năng trữ nước của các hệ thống thủy lợi. Biến các công trình thủy lợi ngoài chức năng dẫn nước có thêm chức năng trữ nước vào cuối mùa lũ để cấp nước cho các khu vực vào mùa khô. Sở cũng đang tham mưu với UBND thành phố việc tách riêng việc thoát nước của các khu công nghiệp sang hệ thống riêng. Các công trình này dự kiến sẽ được đầu tư giai đoạn 2025 - 2030.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp thành phố. Cụ thể đã có hơn 25.500 ha lúa, hơn 3.300 ha hoa màu, rau màu cùng 1,9 triệu cây cảnh bị hư hại. Đối với chăn nuôi, nhiều nhà xưởng đã bị hư hại, hơn 5.000 gia súc, 1 triệu gia cầm bị chết. Về nuôi trồng thủy sản, toàn thành phố đã có 4.600 ha bị ảnh hưởng. Hoàn lưu bão sau đó khiến mực nước dâng cao, nhiều nơi đạt báo động 3. Mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về gây ra nhiều sự cố để điều. Trên địa bàn thành phố thống kê được 30 điểm sạt lở mái đê, thẩm lậu, tổng chiều dài khoảng 920m. Rất may sự cố không đe dọa đến an toàn đê.
Hoàng Ngọc (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/hai-phong-nang-cao-nang-luc-tuoi-tieu-cua-he-thong-thuy-loi-20241014185824650.htm