Ngày 17/4, ca ghép thận thứ 7 cùng huyết thống từ người cho sống tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiêpk (BV Việt Tiệp) đã thành công. Cặp ghép là hai mẹ con ruột, người cho là mẹ đẻ cư trú tại Định Bình (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), người nhận là con gái 31 tuổi, cư trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Ca ghép thận thứ 7 đặc biệt: Mẹ hiến tặng con quả thận
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Tiệp, bệnh nhân H.T.Y, sinh năm 1994, được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối cách đây 5 năm. Thời gian qua, bệnh nhân phải duy trì lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Khoảng 1 năm nay, bệnh thận của H.T.Y. ngày càng tiến triển nên mẹ của bệnh nhân – bà H.T.H (56 tuổi) – đã tình nguyện hiến thận với mong muốn cứu con gái mình.
Cặp ghép thận đặc biệt khi người hiến là mẹ của bệnh nhân.
Trong lúc chờ ca phẫu thuật hoàn tất, chị Hàn Thị Linh (27 tuổi, em gái của bệnh nhân H.T.Y) xúc động chia sẻ: “Hoàn cảnh của chị Y. rất vất vả. Chị lấy chồng đã hơn 10 năm và hiện có một con trai đang học lớp 6. Chồng chị gần như không có khả năng lao động nên mọi việc trong nhà đều một tay chị quán xuyến.
Nhà có 3 chị em gái, chị Y. là lớn nhất. Bố em thì mất sớm nên mình mẹ vất vả chăm sóc chúng em. Cách đây 3 năm, khi còn làm việc tại TP. HCM, chị Y. cảm thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi. Sau khi đi khám, chị bàng hoàng phát hiện bản thân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Nghe chị báo tin, cả nhà hoang mang, lo sợ và thương chị. Kinh tế gia đình thì khó khăn, cứ một ngày đi làm, một ngày chị đến bệnh viện để chạy thận duy trì sự sống. Sau đó, chị chuyển công việc ra Hải Phòng và tiếp tục chạy thận tại Bệnh viện Việt Tiệp. Khoảng một năm nay, thấy chị ngày càng yếu, mẹ em quyết định hiến thận cứu chị. May mắn là các chỉ số của mẹ và chị đều tương thích, phù hợp cho ca ghép. Tâm lý mẹ em rất thoải mái, bà còn động viên chị Y. liên tục. Cả nhà mong ca mổ thành công để chị được nối dài sự sống và hy sinh của mẹ cũng không uổng", chị Linh chia sẻ.
Ca ghép thận thành công – tín hiệu tích cực cho hành trình hồi phục
Ngay khi nhận được thông tin về cặp ghép mẹ - con cùng huyết thống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã khẩn trương triển khai kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, nhân lực và các điều kiện y tế cần thiết. Đồng thời, toàn bộ quy trình pháp lý được thực hiện nghiêm ngặt, với sự hội chẩn đa chuyên khoa và hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quả thận của người mẹ đã trao sự sống lần 2 cho con gái.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ với sự tham gia của các ê-kíp chuyên sâu: từ lấy thận, rửa thận, ghép thận đến gây mê, hồi sức. Thận được lấy ra sau đó được ghép cho người nhận bằng các kỹ thuật cao. Kết quả bước đầu khả quan khi thận mới đã bắt đầu bài tiết nước tiểu – tín hiệu tốt cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Hiện, cả hai mẹ con đang được chăm sóc tích cực tại khu hồi sức sau ghép, trong môi trường kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Bước tiến trong điều trị suy thận tại Hải Phòng
Việc triển khai thành công ca ghép thận thứ 7 từ người cho sống không chỉ tiếp tục khẳng định năng lực chuyên môn cao của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, mà còn thể hiện sự nỗ lực không ngừng trong việc đưa ghép thận trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện. Thành công này mở ra hy vọng sống cho nhiều người bệnh suy thận giai đoạn cuối, không chỉ tại Hải Phòng mà còn ở các tỉnh, thành lân cận.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm Y tế hàng đầu vùng Duyên hải Bắc Bộ. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản và tinh thần trách nhiệm cao, bệnh viện đang khẳng định vai trò tiên phong trong triển khai các kỹ thuật y học hiện đại – đặc biệt là trong lĩnh vực ghép tạng.
Minh Lý