Trao 197.705 suất quà với tổng kinh phí hơn 302,527 tỷ đồng
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), TP. Hải Phòng đã triển khai đồng bộ, sâu rộng nhiều hoạt động tri ân thiết thực và ý nghĩa nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm tặng quà, tri ân người có công với cách mạng nhân dịp 27/7
Theo Sở Nội vụ Hải Phòng, năm nay thành phố đã trao tặng tổng cộng 197.705 suất quà với tổng kinh phí hơn 302,527 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn kinh phí Trung ương theo Quyết định số 1000/QĐ-CTN ngày 13/6/2025 của Chủ tịch nước, Hải Phòng trao 98.354 suất quà trị giá gần 30 tỷ đồng cho người có công, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ. Đồng thời, thành phố cũng trích ngân sách địa phương trao tặng 99.351 suất quà với số tiền hơn 272 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Trần Văn Huy cho biết: Công tác chăm lo cho người có công luôn được TP. Hải Phòng xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được triển khai bài bản, kịp thời và nhân văn. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố còn đặc biệt chú trọng tuyên truyền truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý và lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hảo (phường Hồng Bàng), có chồng và con trai là liệt sĩ
Trong dịp 27/7, thành phố đã tổ chức 20 đoàn đại biểu đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người từng bị địch bắt tù đày, thân nhân liệt sĩ… Các buổi gặp gỡ diễn ra trang trọng, ấm áp, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với những người có công.
TP. Hải Phòng cũng triển khai nâng cấp, sửa chữa và chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Các nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ được chăm sóc, vệ sinh sạch đẹp, là nơi để các thế hệ hôm nay tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống người có công
Ngày 26/7, đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng do Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dẫn đầu đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và di tích Thành Cổ Quảng Trị là những địa danh thiêng liêng gắn với sự hy sinh anh dũng của hàng vạn chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ
Đây là hoạt động thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đối với những người con ưu tú của dân tộc. Riêng tại Nghĩa trang Trường Sơn, hiện có hơn 10.200 phần mộ liệt sĩ, trong đó, có 725 liệt sĩ quê Hải Phòng. Tại Nghĩa trang Đường 9, có 275 liệt sĩ là người con của thành phố Cảng.
Nhân dịp này, TP. Hải Phòng đã trao tặng tỉnh Quảng Trị 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội, đồng thời tặng quà động viên các cán bộ Ban Quản lý nghĩa trang và di tích. Tối cùng ngày, đoàn công tác tham dự lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Công tác đền ơn đáp nghĩa tại Hải Phòng không chỉ dừng lại ở những dịp lễ kỷ niệm mà luôn được thành phố triển khai thường xuyên. Các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa chính sách theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, bảo đảm đời sống người có công và gia đình chính sách luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân. Trên toàn địa bàn, không còn hộ gia đình chính sách nào thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
Bằng tinh thần trách nhiệm, lòng tri ân và sự quan tâm toàn diện, TP. Hải Phòng đang từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giá trị đạo đức cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
Thời gian qua, TP. Hải Phòng là một trong số địa phương đi đầu cả nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhờ triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết đặc thù, cơ chế vượt trội. Đặc biệt, khi sáp nhập TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, truyền thống này vẫn “tiếp mạch”, với hơn 450.000 người có công với cách mạng tiếp tục được chăm lo.
Thu Anh