Công nhân thu gom rác thải thành phố Hải Phòng
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, hiện tại trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 1.030 tấn, phần lớn được thu gom, vận chuyển và xử lý tại 2 khu xử lý Tràng Cát và Đình Vũ; khu vực nông thôn phát sinh khoảng 980 tấn, được thu gom và xử lý chủ yếu tại các bãi rác tạm khu vực nông thôn.
Con số này sẽ tiếp tục tăng cao cùng quá trình phát triển mở rộng đô thị, gia tăng dân số của Hải Phòng qua từng năm. gây áp lực lớn đối với hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt hiện có của thành phố.
Hiện tại công tác phân loại, thu gom, quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hải Phòng vẫn còn gặp không ít hạn chế.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả, tình trạng xả thải không đúng nơi quy định, đốt trộm chất thải vẫn tái diễn tại các khu vực công cộng, đặc biệt là khu vực địa bàn giáp ranh, ít người qua lại, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Dụng cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải tại khu vực nông thôn phần lớn là phương tiện hoán cải, tự chế, chưa phù hợp với quy trình thu gom bằng công nghệ hiện đại.
Phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị chủ yếu vẫn đang là chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý cấp thành phố gồm Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh.
Khu vực nông thôn Hải Phòng có khoảng 67 bãi rác tạm với phương thức xử lý phần lớn là chôn lấp đơn giản, chưa đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường, thường xuyên đối mặt với sự quá tải, làm tiêu tốn nhiều diện tích đất.
Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các bãi rác tạm nông thôn thành bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng đang gặp nhiều khó khăn, do vị trí các bãi rác trước đây đều nằm ngoài đê, cần phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch của thành phố trong trường hợp muốn đầu tư, cải tạo mở rộng bãi rác để đảm bảo công suất xử lý liên xã.
Trước thực tế nêu trên, Hải Phòng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường.
Việc tuyên truyền mô hình phân loại rác tại nguồn được đẩy mạnh, năm 2023 mô hình phân loại được triển khai điểm tại 57 xã, phường, thị trấn; năm 2024 tăng lên 750 hội nghị, tiếp cận 90.000 lượt người dân.
Trong quý 1/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã thiết kế và in 2.500 sổ tay, 25.000 tờ rơi hướng dẫn phân loại rác và chế tài xử phạt để làm tài liệu, thực hiện tuyên truyền cho 30 đơn vị thu gom với 1.000 lượt người tham dự.
Theo Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng, đến nay các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và các phường An Đồng, Lê Lợi thuộc quận An Dương đã có khoảng 80% số hộ dân thực hiện phân loại rác.
Công tác kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng được Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng tích cực chủ trì, phối hợp triển khai cùng Công an thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan.
Trong năm 2024 và quý 1/2025, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử phạt 160 trường hợp vi phạm về môi trường với tổng số tiền hơn 423 triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đang đề nghị thành phố nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng định mức, đơn giá và định giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng trên địa bàn thành phố bằng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực xử lý, thay thế phương pháp chôn lấp lạc hậu...
Trương Quốc Cường